Thứ Tư, 08/01/2025 03:28 (GMT +7)

Hội thảo quốc tế về Phật giáo vùng Mekong lớn nhất từ trước đến nay

Thứ 2, 09/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

 

Lễ khai mạc Đại giới đàn Chí Khả tại Quảng Trị. (Ảnh: TTXVN)
Hội thảo quốc tế “Phật giáo vùng Mekong: Lịch sử và phát triển” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra trong hai ngày 13-14/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hội thảo khoa học quốc tế về Phật giáo vùng Mekong được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý và công tác tôn giáo, giới nghiên cứu Phật học trong nước và quốc tế, trong đó có hơn 40 học giả đến từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Banglades…

Ngày 9/11, chia sẻ tại buổi họp báo giới thiệu về hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm tạo cầu nối học thuật cho Phật giáo tại các quốc gia tiểu vùng Mekong cùng cam kết tạo ý thức toàn cầu về hòa bình, an ninh môi trường và phát triển bền vững vùng Mekong, đồng thời góp phần vào hợp tác kinh tế, văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ gìn di sản văn hóa của các quốc gia theo Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc.

Qua hội thảo cũng làm rõ vai trò của Phật giáo vùng Mekong trong việc duy trì hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ trên nền tảng tôn trọng luật pháp quốc tế và phát triển bền vững đối với các quốc gia trong và ngoài vùng Mekong.

Đặc biệt tại hội thảo lần này, các nhà nghiên cứu sẽ thảo luận, thống nhất một số vấn đề học thuật như những hiểm họa về môi trường sinh thái ở vùng Mekong, đề xuất các khái niệm “trách nhiệm vùng”, “Phật giáo vùng Mekong.”

Theo Ban tổ chức, đến nay hội thảo thu hút gần 150 tham luận, trong đó hơn 90 tham luận của giảng viên, nhà nghiên cứu trong nước và hơn 40 tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu nước ngoài.

Các tham luận tập trung nghiên cứu sâu về Phật giáo vùng Mekong với các nhóm chủ đề chính như quá trình du nhập và phát triển; quá trình giao lưu và hội nhập; di sản và văn hóa; bảo vệ, ứng xử với môi trường trong quá trình toàn cầu hóa và phát triển bền vững./.

Thu Hoài (TTXVN/Vietnam )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu