Thứ Sáu, 17/01/2025 03:02 (GMT +7)

Hưng Thạnh – Tân Hưng nông dân tự huỷ lúa bị muỗi hành gây hại nặng

Thứ 2, 13/02/2017 | 10:56:00 [GMT +7] A  A

Hiện nay, sâu năn hay còn gọi là muỗi hành đang xuất hiện và gây hại nặng trên trà lúa giai đoạn mạ đến đẻ nhánh tối đa của huyện Tân Hưng, riêng Tại xã Hưng Thạnh, muỗi hành gây hại với diện tích là 350 hecta, trong đó có một số diện tích bị thiệt hại nặng, nông dân tự hủy bỏ.

Hình minh hoạ

Anh Nguyễn Chí Hùng, ấp Hưng Thuận xã Hưng Thạnh cho biết, vụ Đông xuân này anh sản xuất được 5,5 hecta và trong số đó thì có đến 2,3 hecta bị muỗi hành gây hại nặng. Anh hùng còn cho biết thêm, vào thời điểm trước tết anh đi thăm đồng thấy lúa phát triển tốt, khi đó lúa của anh được hơn 1 tháng tuổi. Tuy nhiên sau tết, khi anh ra thăm thì mới phát hiện bị muỗi hành gây hại rất nặng, gần như bị như bị hư hại hoàn toàn. Được biết, khi lúa chăm sóc đến giai đoạn này thì chi phí anh đầu tư cho 1 hecta cũng khoảng 10 triệu đồng, nếu như đầu tư chăm sóc nữa thì sẽ bị lổ nặng. Thế nên anh quyết định hủy bỏ 2,3 hecta này để chuyển đổi sang cây trồng khác.

Đông xuân là vụ sản xuất chính, là vụ “ăn thua” trong năm, tuy nhiên hiện muỗi hành đã xuất hiện và gây hại nặng làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất khi thu hoạch, nông dân huyện Tân Hưng nói chung, xã Hưng Thạnh nói riêng hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Thạc sĩ Huỳnh Kim Ngọc – đăng trên Báo Nông Nghiệp Việt Nam hướng dẫn:

Muỗi hành di chuyển lên phần giữa của bẹ và thân, rồi xâm nhập vào đỉnh sinh trưởng, tại đây sâu cắn phá gây hại và thải ra chất độc có trong nước miếng làm gốc bẹ lúa phồng to, bên trong rỗng, sau đó đọt lúa phát triển bất thường thành ống như lá hành có màu trắng nhạt, rộng khoảng 1 cm, dài 10 – 30 cm, đầu ống hành được bịt kín do mô lá tạo thành. Ống hành xuất hiện khoảng một tuần sau khi muỗi xâm nhập. Tép lúa bị hại không cho bông (gié) nhưng lúa có thể mọc chồi mới để bù lại. Triệu chứng lúa do muỗi hành hại giống như lúa bị hạn, bệnh do virus (bệnh vàng lùn, bệnh Tungro), sâu đục thân, ngộ độc thuốc trừ cỏ 2,4D. Muỗi hành chỉ gây hại từ giai đoạn mạ đến cuối đẻ nhánh, trước khi có đòng….

Hình minh hoạ

Cách phòng trừ:

– Vệ sinh đồng ruộng, diệt sạch cỏ dại, cỏ bờ.

– Bẫy đèn: Theo dõi muỗi hành để phòng trừ đúng lúc (phun thuốc ngay khi muỗi ra rộ).

– Không sạ cấy dầy. Bón đầy đủ, cân đối NPK, không bón thừa đạm giai đoạn đẻ nhánh.

– Bảo vệ thiên địch (ong ký sinh), không phun thuốc trừ sâu sớm.

– Thăm đồng thường xuyên, nếu có muỗi hành, có thể tháo nước phơi ruộng để hạn chế lây lan.

– Thuốc BVTV: Trường hợp ruộng thường xuyên bị muỗi hành gây hại, điều kiện thời tiết, canh tác thuận lợi cho muỗi phát sinh, gây hại, cần thường xuyên thăm đồng, có thể dùng bẫy đèn theo dõi, nếu muỗi nhiều, có thể phun ngay thuốc trừ muỗi: Sapen alpha 5EC, Sec Saigon 5,10 EC, Diaphos 50EC. Nếu ruộng nhiều muỗi, ống hành xuất hiện rải rác, cần phun thuốc trừ muỗi ngay, kết hợp rải thuốc dạng hạt có tính lưu dẫn, thấm sâu như Gà nòi 4G, Diaphos 10H hay Sargent 6G. Trường hợp ruộng bị hại nặng, việc phòng trị sẽ ít có hiệu quả, tuy nhiên để tránh thiệt hại đến năng suất và hạn chế lây lan qua vụ sau có thể kết hợp phun thuốc có tính thấm sâu, xông hơi như Diaphos 50EC, Sairifos 585 EC, kết hợp rải thuốc hạt (như trên)….

Văn Sách

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu