Tất cả chuyên mục

Xây dựng thói quen đọc sách đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển trí tuệ và nhân cách của trẻ. Chính vì thế, ngoài sự đồng hành của phụ huynh, các trường học chú trọng xây dựng góc thư viện, tổ chức nhiều hoạt động giúp trẻ được tiếp cận với sách nhằm khơi gợi tình yêu sách cho trẻ.
Ở lứa tuổi mầm non, trẻ bắt đầu hình thành nhân cách. Đây là giai đoạn “vàng” cho sự phát triển của trẻ. Việc xây dựng những thói quen tốt trong giai đoạn này là cực kỳ quan trọng, trong đó có thói quen đọc sách - một trong những thói quen ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển tư duy, đạo đức và lối sống của trẻ.
Chia sẻ về cách rèn luyện thói quen đọc sách cho con, chị Trần Thị Diễm Chi (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) cho biết: “Tôi tạo cho con niềm yêu thích đọc sách để con tự nhận thấy sự hấp dẫn và chủ động đọc sách chứ không ép buộc. Vợ chồng tôi thường đọc sách cùng con, phân tích và rút ra bài học để con hiểu được ý nghĩa sau mỗi tác phẩm, thay vì chỉ đọc lướt qua nội dung. Chính từ sự đồng hành và làm gương của cha mẹ, con sẽ cảm nhận được niềm vui trong việc đọc, từ đó biến đọc sách thành một thói quen bền vững chứ không phải nhiệm vụ bắt buộc”.
Để phát triển văn hóa đọc, tạo thói quen đọc sách cho trẻ, các cơ sở giáo dục linh hoạt tổ chức các hoạt động thư viện, phong trào đọc sách theo hướng đa dạng về nội dung và hình thức. Qua đó, giúp trẻ có cơ hội được tiếp cận với sách, khơi gợi niềm đam mê và thói quen đọc sách.
Tại Trường Mẫu giáo 1/6 (phường 1, TP.Tân An), góc thư viện trở thành điểm đến yêu thích của trẻ sau mỗi giờ hoạt động. Trẻ được làm quen với những cuốn sách đa dạng về chủ đề, câu chuyện và thế giới xung quanh. Mặc dù trẻ chưa biết chữ nhưng qua việc quan sát hình ảnh, màu sắc trong sách, trẻ có thể ghi nhớ từ ngữ và mở rộng vốn từ vựng của mình.
Hiệu trưởng Trường Mẫu Giáo 1/6 - Nguyễn Thị Hương Giang cho biết: “Để xây dựng môi trường thư viện lý tưởng, các cô chú trọng việc thiết kế góc thư viện sao cho phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Các kệ sách được bố trí ngang tầm, giúp trẻ dễ dàng lấy và cất sách. Không gian thư viện được trang trí bằng những hình ảnh tươi sáng và ngộ nghĩnh cùng nhiều tranh vẽ, hình ảnh sinh động giúp trẻ dễ dàng quan sát và tiếp cận sách. Các đồ dùng như bàn, ghế cũng được làm từ những nguyên, vật liệu sẵn có, tái chế tạo nên một không gian sinh động cho trẻ khi đọc sách. Bên cạnh đó, nhà trường luôn thay đổi và bổ sung các đầu sách mới để tạo hứng thú cho trẻ”.
Trẻ được làm quen với sách trong các giờ hoạt động góc, hoạt động ngoài trời, trẻ có thể tự chọn sách và ngồi vào những chiếc bàn nhỏ để đọc. Sau khi xem xong, trẻ được hướng dẫn xếp sách vào đúng vị trí quy định. Cô giáo sẽ tham gia đọc sách cùng trẻ.
Cùng với việc giáo dục trẻ bảo quản sách, giữ gìn sách sạch sẽ và không làm rách, bẩn sách, nhà trường cũng đẩy mạnh tuyên truyền phụ huynh về thói quen đọc sách tại nhà cho trẻ.
Sách là nguồn tri thức vô tận. Việc xây dựng các góc thư viện và những hoạt động đọc sách tại nhà, tại trường không chỉ giúp trẻ tiếp cận thế giới tri thức mà còn phát triển những kỹ năng quan trọng. Đây chính là nền tảng vững chắc cho việc hình thành thói quen đọc sách và yêu thích học tập cho trẻ./.
Ý kiến ()