Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 18/01/2025 02:28 (GMT +7)
Không chủ quan với dịch bệnh gia súc, gia cầm
Thứ 3, 28/02/2017 | 11:33:00 [GMT +7] A A
Hiện nay, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn tỉnh bảo đảm an toàn, nhưng không vì thế mà người chăn nuôi chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống, đặc biệt tại các địa phương giáp biên giới.
Tiêm vắc-xin chống dịch bệnh trên gia cầm
Chủ động phòng, chống
Đàn gia súc toàn tỉnh có hơn 390.000 con, trong đó, khoảng 290.000 con heo, hơn 100.000 con trâu, bò và khoảng 7 triệu con gia cầm. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn hiện ổn định; công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được ngành chức năng thực hiện nghiêm túc. Hàng tháng, ngành Thú y triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo đảm an toàn cho đàn GSGC của người dân.
Dịch bệnh trên GSGC đã xảy ra tại một số địa phương trên cả nước và 2 tỉnh Prey Veng, Svay Rieng thuộc Vương quốc Campuchia – giáp ranh với Long An. Trước tình hình trên, ngành Thú y tỉnh chủ động tham mưu cấp trên nhanh chóng triển khai công tác tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại tại các hộ chăn nuôi trên toàn địa bàn để phòng, chống dịch bệnh. Do vậy, người chăn nuôi không nên lơ là, chủ quan trong việc phòng, chống dịch bệnh, phải thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng theo hướng dẫn, chỉ đạo của ngành chức năng. Đồng thời, người dân cần chủ động phối hợp ngành chức năng khi có nghi ngờ về dịch bệnh để kịp thời có biện pháp khống chế, không cho dịch bệnh xảy ra và tránh lây lan trên diện rộng.
Tại huyện Châu Thành, công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được lãnh đạo quan tâm. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện nhanh chóng triển khai nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên. Toàn huyện, người dân chăn nuôi hơn 27.000 gia súc, với số lượng đàn heo trên 20.000 con; trâu, bò 7.100 con; hơn 1,1 triệu gia cầm, trong đó, gà 920.000 con, vịt trên 200.000 con. Trạm thực hiện tiêm phòng các loại vắc-xin theo quy định, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Đến nay, huyện thực hiện tiêm phòng thu tiền 5.000 liều vắc-xin cúm gia cầm, 2.000 liều vắc-xin dại, 300 liều vắc-xin tụ huyết trùng trên trâu, bò.
Khử độc, tiêu trùng, vệ sinh chuồng trại cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm
Phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện – Bùi Ngọc Tư thông tin: “Trạm thường xuyên tuyên truyền lưu động để người dân nắm bắt tình hình, chủ động phòng, chống dịch bệnh, thực hiện việc tiêm phòng nghiêm túc, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Việc tiêm phòng tiếp tục được trạm thực hiện đến khi hoàn thành theo kế hoạch đề ra”.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn, ngụ ấp Cầu Ván, xã An Lục Long cho biết: “Gia đình tôi chủ động phối hợp ngành chức năng trong việc phòng, chống dịch bệnh trên gia súc. Ngoài việc tiêm phòng theo triển khai của địa phương, tôi còn đến Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện để được tư vấn và mua thuốc về tiêm phòng cho đàn bò sữa”.
Để phòng, chống dịch bệnh, huyện Tân Hưng nhanh chóng triển khai tiêm phòng trên GSGC. Gia súc trên địa bàn huyện hiện có hơn 12.000 con, gia cầm hơn 200.000 con, trong đó, ghi nhận 61 đàn vịt chạy đồng tập trung về huyện (40 đàn trong tỉnh, số lượng 62.000 con; 21 đàn ngoài tỉnh, số lượng 58.500 con). Đến ngày 27-02, huyện tiêm phòng được 49.000 liều vắc-xin cúm gia cầm, số lượng còn lại tiếp tục thực hiện và hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Ông Phạm Văn Lực, ngụ tỉnh An Giang hiện có đàn vịt chạy đồng tại địa bàn xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng cho biết: “Năm nào, tôi cũng nuôi vịt và đưa về đây để chăn thả. Gia đình tôi luôn ý thức, chủ động phòng, chống dịch bệnh. Tổng đàn gia cầm của gia đình là 10.000 con vịt đẻ và được cán bộ Thú y huyện Tân Hưng tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cúm ngày 15-02 vừa qua”. Còn ông Phạm Văn Mạc, ngụ ấp Hưng Thuận, xã Hưng Điền B chia sẻ: “Gia đình tôi chăn nuôi vịt hơn 10 năm, hiện tổng đàn 1.200 con. Tôi luôn có ý thức phòng, chống dịch bệnh cho đàn vịt nên chủ động phối hợp cơ quan chức năng trong việc tiêm phòng”.
Tiêm vắc-xin chống dịch bệnh trên gia súc
Tăng cường kiểm tra, giám sát tuyến biên giới
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, trong đó có cúm gia cầm A/H7N9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Nguyễn Xuân Cường đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt các địa phương giáp biên giới cần chủ động phòng, chống; phối hợp các ngành liên quan kiểm tra, giám sát tuyến biên giới để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào nước ta.
Thực hiện chỉ đạo từ cấp trên, các huyện, thị xã giáp biên giới của tỉnh nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Việc tiêm phòng vắc-xin bắt buộc đối với các hộ chăn nuôi được khẩn trương thực hiện, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát tuyến biên giới. Tuyên truyền người dân không chăn thả GSGC qua biên giới, phối hợp cơ quan chức năng khi nghi ngờ xảy ra dịch bệnh.
Theo Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Hưng – Lê Hiệp Đoàn, huyện chủ động vận động người dân tiêm phòng bắt buộc để bảo vệ đàn GSGC. Trạm tham mưu lãnh đạo huyện, chỉ đạo các xã trên địa bàn kiểm tra, giám sát việc tiêm phòng vắc-xin. Khuyến cáo người dân chủ động phối hợp với ngành, không chăn thả GSGC qua biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh,… Trạm tiếp tục tiêm phòng GSGC bắt buộc đối với các hộ chăn nuôi và sớm hoàn thành trong thời gian tới.
Công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC được huyện Vĩnh Hưng thực hiện nghiêm túc, đặc biệt tại các xã biên giới. Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vĩnh Hưng – Nguyễn Văn Vũ cho biết: “Toàn huyện có tổng đàn gia súc trên 7.500 con, gia cầm 38.000 con. Việc phòng, chống dịch bệnh GSGC được chúng tôi chủ động. Hàng tháng, trạm có kế hoạch, giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, dịch bệnh xảy ra bên kia biên giới, trạm nhanh chóng tiêm phòng theo chỉ đạo và tham mưu các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Đồng thời, khuyến cáo người dân chủ động phối hợp cơ quan chức năng phòng, chống hiệu quả dịch bệnh”.
Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh – Phan Ngọc Châu thông tin: “Trước tình hình dịch bệnh xảy ra tại các địa phương trong nước và 2 tỉnh biên giới của Campuchia – giáp với Long An, ngành Thú y nhanh chóng triển khai và tham mưu cấp trên các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chi cục tăng cường kiểm tra, giám sát tuyến biên giới để ngăn chặn dịch bệnh tràn qua tỉnh nhà, đặc biệt cúm gia cầm. Tuyên truyền, vận động người dân tiêm phòng, phối hợp ngành khi nghi ngờ về dịch bệnh, khuyến cáo người dân không chăn thả GSGC qua biên giới. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ GSGC, sản phẩm của GSGC nhập lậu qua biên giới, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân. Hiện chi cục chuyển về các huyện, thị xã khu vực biên giới 1 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm để phục vụ việc tiêm phòng bắt buộc”.
“Ngoài ra, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, cán bộ thuộc cơ quan Thú y vùng VI trực 24/24 giờ để kiểm soát quá trình giao thương GSGC. Ngành Y tế bố trí người trực kiểm soát quá trình đi lại của người dân khu vực biên giới để phòng tránh dịch bệnh lây sang người”- ông Phan Ngọc Châu thông tin thêm./.
Lực Nguyễn (Báo Long An Online)
Ý kiến ()