Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin vừa tiếp tục được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Nhiều vấn đề lớn như về chủ thể cung cấp thông tin, thông tin hạn chế tiếp cận và quy trình, thủ tục để thực hiện quyền cơ bản của người dân được nhìn nhận cần phải tiếp tục hoàn thiện.
Công khai là tối đa, bí mật là ngoại lệ
Thảo luận tại Hội thảo góp ý kiến vào dự thảo Luật Tiếp cận thông tin do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vừa qua, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung – Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, về nguyên tắc trong một nhà nước của dân, do dân và vì dân, thì lẽ đương nhiên thông tin phải cũng là của dân, do dân và vì dân. Thông tin về nguyên tắc là phải mở để mọi người đều biết và dễ tiếp cận khi cần thiết, mới tạo được môi trường cho sự phát triển về kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị.
Tuy vậy, bên cạnh quy định của pháp lệnh bí mật quốc gia thì những động cơ không muốn cung cấp thông tin của những người giữ thông tin nhà nước cũng làm ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin. Động cơ này rất là khác nhau, có người bưng bít để vụ lợi cho chính bản thân và người thân của mình, có người lại không muốn cung cấp để dễ dàng hơn cho việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng của mình. Có người làm việc đó chỉ vì một “thói quen”.
Theo GS Nguyễn Đăng Dung, một trong những điểm khó nhất khi xây dựng Dự luật Tiếp cận thông tin chính là việc xác định ranh giới giữa cái “mật” và “không mật”. Do đó Luật cần có những quy định cụ thể loại thông tin, tài liệu nào cần được công khai, loại thông tin, tài liệu nào là mật. Nghĩa là không phải bất cứ thông tin nào mà không muốn cho người khác biết thì cơ quan nhà nước cũng có thể đóng dấu “mật” mà phải dựa vào lợi ích cá nhân và lợi ích quốc gia dân tộc.
Quyền thông tin là quyền cơ bản, quyền phát triển, tạo công bằng, bình đẳng cho con người. Nó không chỉ “xóa đói” mà còn “xóa sự lạc hậu”, tạo ra niềm tin của người dân đối với các chủ trương chính sách của Nhà nước. GS Nguyễn Đăng Dung tin tưởng rằng, với Luật tiếp cận thông tin trong tương lai, vấn đề bưng bít thông tin, thông tin “mật” tràn lan… trong hoạt động của những người đảm trách các công việc của nhà nước sẽ được giải quyết.
Để làm được điều đó, theo GS Nguyễn Đăng Dung, Luật Tiếp cận thông tin
Dự thảo Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm :
– Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ; hủy hoại; làm giả thông tin.
– Cung cấp, sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; kích động bạo lực; tuyên truyền chiến tranh; gây thù hằn, chia rẽ dân tộc, tôn giáo.
– Cung cấp, sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân; xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức.
– Cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin.
phải đặt ra trách nhiệm của công chức trong việc cung cấp thông tin, thậm chí có thể xử lý hình sự.
Cùng với đó là quy định cụ thể thủ tục làm việc với chính quyền để người dân không còn lúng túng, không còn bị “lừa”, để các công chức không còn thái độ “đùn đẩy”, “hách dịch” khi thực hiện trách nhiệm phải cung cấp thông tin cho người dân.
“Như vậy có thể hình dung ra rằng, toàn bộ hoạt động của các cơ quan công quyền sẽ phải dịch chuyển từ chỗ chỉ quen chủ động phổ biến các chủ trương chính sách một chiều một cách giản đơn xuống cấp dưới, xuống cơ sở, xuống người dân, đến việc còn phải đảm trách cung cấp thông tin, phục vụ các yêu cầu chủ động được tiếp cận, được đòi hỏi cung cấp tư liệu có và cần phải có của cơ quan nhà nước từ phía người dân”, GS Nguyễn Đăng Dung phân tích.
“Mở quyền” đóng dấu “mật” là không được
Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Tiếp cận thông tin tại phiên họp 44 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, Thường trực Ủy ban pháp luật đã phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để luật hóa, bổ sung một số quy định về nội dung các thông tin phải được công khai hiện đang được quy định trong một số văn bản luật, pháp lệnh, nghị định để tạo điều kiện tốt hơn cho công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Ông Phan Trung Lý cũng nhấn mạnh, vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước có mối liên hệ chặt chẽ với quyền tiếp cận thông tin của công dân. Nếu thông tin “mật” không được xác định đúng, không được giải mật kịp thời sẽ làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Hiện nay, về tài liệu mật ở nước ta được quy định tại Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000 và tại một số pháp lệnh, nghị định có hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân là không phù hợp với Hiến pháp 2013 vì việc hạn chế quyền công dân chỉ có thể được quy định bằng luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường giải trình thêm rằng tất cả những thông tin không phải mật, thông tin đã được giải mật thì công dân được quyền tiếp cận và Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp. Việc giải mật như thế nào sẽ theo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.
“Có thể yên tâm là những thông tin đã được công khai, được giải mật đều được quy định trong luật này. Riêng cái gì liên quan đến bí mật, trước khi cung cấp cho người dân thì cơ quan cung cấp phải rà soát, phải được cơ quan có thẩm quyền phụ trách đồng ý”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nếu nói thế thì cái gì cơ quan nhà nước không muốn cung cấp họ đóng dấu mật là xong vì luật cho người ta cái quyền đóng dấu “mật”
“Luật này phải nói rõ những thông tin nào không được đóng dấu mật. Anh để cửa cho người ta đóng dấu mật thì còn ý nghĩa, giá trị gì nữa. Cái gì cấm thì nói rõ luôn đi; thông tin mật về công an, quân sự, tình báo thì ghi rõ vào đây, như thế luật này mới có giá trị”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật bảo vệ bí mật Nhà nước (sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới) chỉ được quy định những loại thông tin mật, mật ở mức độ nào, khi nào giải mật chứ không được quy định hạn chế quyền tiếp cận thông tin. Luật Tiếp cận Thông tin mới có quyền quy định điều này./.
Ý kiến ()