Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 13:00 (GMT +7)
Không thiếu nước sinh hoạt nếu quản lý hiệu quả nước ngầm
Thứ 5, 10/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Theo kết quả điều tra sơ bộ, trữ lượng nguồn nước ngầm tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, nếu khai thác một cách tự phát và quá mức sẽ khiến nguồn nước này bị cạn kiệt và tốc độ xâm mặn càng lớn. Đó là chia sẻ của ông Triệu Đức Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) với báo Tin Tức.
Không thể khai thác bừa bãi
ĐBSCL đang bị thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử do hạn, mặn kỷ lục. Theo thống kê, nếu tình hình khô hạn kéo dài đến tháng 6/2016 thì toàn vùng ĐBSCL sẽ có 500.000 ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước. Hiện có khoảng 155.000 hộ gia đình (khoảng 575.000 người) bị thiếu nước sinh hoạt.
Ông Triệu Đức Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại ĐBSCL đã được cảnh báo từ lâu. Trung tâm đã có điều tra, đánh giá sơ bộ việc phân bố nguồn nước ngầm và đang biên tập bản đồ tỷ lệ 1/200.000 bao quát toàn bộ vùng ĐBSCL về các tầng chứa nước, độ sâu khai thác. Theo đó, qua đánh giá, trữ lượng nguồn nước ngầm tại đây có khả năng đáp ứng được yêu cầu sử dụng nước của người dân. Ngay tại các vùng khó khăn về nước nhất như Bến Tre vẫn tìm được nguồn nước đáp ứng nhu cầu ở độ sâu khác nhau. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm rải rác không đều, sự phân bố mặn nhạt phức tạp, đan xen trong cùng một tầng chứa nước nên khó khăn trong khai thác, đòi hỏi phải có kỹ thuật, chuyên môn, chi phí đầu tư công trình lớn. Trong điều kiện khô hạn, nguồn nước ngầm có thể giải quyết được bài toán cơn khát về nước sinh hoạt tại ĐBSCL nhưng phải phân bổ và sử dụng nguồn nước làm sao cho hợp lý.
Thực tế hiện nay, tình trạng người dân khoan giếng một cách tự phát, không chỉ mục đích lấy nước sinh hoạt mà lấy nước để nuôi tôm, kinh doanh dịch vụ, sản xuất công nghiệp… đang ngày càng phổ biến đã khiến nguồn nước ngầm bị suy giảm trầm trọng, khai thác quá mức thì đến một lúc nào đó, cấu trúc và tổng thể của toàn ĐBSCL sẽ bị phá vỡ.
Cần sớm có quy hoạch nguồn nước
Theo ông Triệu Đức Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra nước quốc gia, hiện nay trung tâm đã cử các đơn vị phía Nam giúp đỡ các địa phương tiến hành khoan nước cho người dân tại một số địa phương như Vĩnh Long, Bến Tre và sau khoảng 1 tháng nữa, sẽ có đủ nước sinh hoạt cung cấp cho người dân ở những địa phương này với lưu lượng nước khoảng 1.000 – 2.000 khối. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt, hiện nay ĐBSCL chưa có quy hoạch khai thác sử dụng, quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước do đó lâu dài, nhất định phải có quy hoạch tài nguyên nước. Nước ngầm là tài nguyên chiến lược nên cần có định hướng quy hoạch khai thác tổng thể, không thể mạnh ai người nấy làm như hiện nay.
Do đặc thù của địa hình nên việc khai thác nguồn nước ngầm ở ĐBSCL phải hết sức cẩn trọng vì ở mỗi độ sâu sẽ có nhiều tầng chứa nước và chất lượng nước khác nhau. Đặc biệt, nguồn nước có sự phân bố mặn, ngọt đan xen nên khi khai thác, nếu vượt quá trữ lượng có thể khai thác thì không có khả năng phổ cập nước ngọt nữa, nước mặn và nước ngọt sẽ pha lẫn vào với nhau, khiến cho suy giảm nguồn nước ngầm và tình trạng xâm mặn ngày càng trầm trọng. Do đó, người dân cũng như chính quyền địa phương khi khoan nước phải phối hợp với cơ quan chuyên môn để tìm nguồn nước và mức độ sử dụng phù hợp để tránh đầu tư không hiệu quả, làm suy giảm chất lượng tài nguyên nước về sau.
Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 2/3/2015. Theo chương trình này, nguồn kinh phí phê duyệt cho dự án là hơn 700 tỷ đồng cho 44 tỉnh, trong đó kinh phí cho các tỉnh ĐBSCL chiếm khoảng hơn 100 tỷ đồng. Nhưng đến nay mới cấp được 1 tỷ đồng, theo lộ trình đến năm 2017 sẽ cân đối ngân sách cấp tiếp. Với tình hình khô hạn, xâm mặn cấp bách như hiện nay, sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý có thể giải quyết được bài toán cơn khát về nước sinh hoạt tại ĐBSCL. Tuy nhiên, để thực hiện vấn đề này cần có lộ trình và kinh phí thực hiện.
Theo kết quả điều tra của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra nước quốc gia, trữ lượng nước ngầm còn có thể khai thác an toàn hiện nay là hơn 4,5 triệu m3/ngày, trong khi đó nhu cầu nước sinh hoạt năm 2015 là hơn 1,8 triệu m3/ngày, năm 2020 là 2,3 triệu m3/ngày. Trong khi đó, nhu cầu nước cho nông nghiệp năm 2015 là hơn 93,6 triệu m3/ngày, năm 2020 là 96,8 triệu m3/ngày.
Ý kiến ()