Thứ Bảy, 25/01/2025 06:59 (GMT +7)

Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An: Căn cứ giữa lòng dân

Thứ 6, 01/09/2017 | 16:38:00 [GMT +7] A  A

Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An (còn gọi là di tích Bình Thành), tọa lạc tại xã Bình Thành, nay thuộc xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1998. Đây là một trong 20 di tích cấp quốc gia được tỉnh quan tâm đầu tư, tôn tạo và là công trình trọng điểm về văn hóa – lịch sử của tỉnh.

Di tích lịch sử Cách mạng tỉnh từng là căn cứ cách mạng Tỉnh ủy Long An; ngày nay, di tích là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng giàu ý nghĩa. Ảnh H.Lý. Nguồn: Báo Long An Online

Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An là vùng đất trũng thấp nằm giữa 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, địa hình hiểm trở lại tiếp giáp giữa miền Đông và Tây Nam bộ, rất gần với Sài Gòn, khi mở về phía Tây có thể liên kết với chiến khu Đồng Tháp Mười, về phía Đông có thể đến với những chiến khu vùng rừng già Đông Nam bộ, lại liền kề biên giới nước bạn Campuchia. Từ đó khu vực này trở thành căn cứ bưng biền độc đáo trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, từng là căn cứ của Tỉnh ủy Chợ Lớn và Khu 7 với tên gọi “Quân khu Đông Thành”.

Sau hiệp định Geneve 1954, một số cán bộ, đảng viên 2 tỉnh Tân An, Chợ Lớn rút lên Bình Thành, thành lập Bộ Tư lệnh Trung Nam bộ. Tháng 8/1957, Xứ ủy thành lập tỉnh Long An trên cơ sở sát nhập 2 tỉnh Tân An, Chợ Lớn. Ở từng thời kỳ, Tỉnh ủy Long An linh hoạt lãnh đạo cách mạng, lúc ở nhà dân, cất chòi tranh trong bưng trấp, lúc tạm lánh sang Ba Thu, hay di chuyển về Đức Hòa, Bến Lức và vùng hạ. Trong đó, địa danh Giồng Ông Bạn – xã Bình Thành là nơi Tỉnh ủy và các cơ quan trực thuộc hoạt động lâu nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Các cơ quan: Tuyên huấn, Binh vận, Hậu cần, Quân y,… cũng ở rải rác trên các gò cao trong căn cứ.

Mặc dù hứng chịu nhiều trận bom, pháo của địch, nhưng tại căn cứ này, lực lượng cách mạng đã ngoan cường chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ nhà lãnh đạo, đảm bảo giao thông liên lạc và vai trò hành lang chiến lược. Từ đây, Tỉnh ủy kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh nhà đi đến thắng lợi hoàn toàn nhờ sự đấu tranh bí mật, cơ động và tấm lòng yêu thương, đùm bọc của nhân dân. Do vậy, có thể nói căn cứ Bình Thành là căn cứ của lòng dân, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An có tổng diện tích hơn 98 hecta, trong đó diện tích xây dựng khoảng 20 hecta, được triển khai thực hiện từ năm 2001, phân kỳ đầu tư xây dựng thành 2 giai đoạn. Hiện tại, các hạng mục chính đã cơ bản hoàn thành và sẽ được khánh thành đúng vào dịp Quốc khánh 2/9, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng đất đã từng hứng chịu sự tàn phá của chiến tranh năm xưa./.

Thanh Thủy – Xuân Quốc

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu