Thứ Ba, 21/01/2025 17:52 (GMT +7)

Kiên Giang dự kiến đầu tư 17.400 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Thứ 3, 09/03/2021 | 12:24:00 [GMT +7] A  A

Thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang phấn đấu 116/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, với dự kiến kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới khoảng 17.400 tỷ đồng.

Đường dây điện vượt biển trên không, đưa điện lưới Quốc gia ra đảo Hòn Tre, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang phấn đấu 116/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có ít nhất 30 xã nông thôn mới nâng cao, 15 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 10 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, có từ 1 huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Dự kiến tổng kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới cả giai đoạn này khoảng 17.400 tỷ đồng.

Riêng năm nay 2021, tỉnh phấn đấu xây dựng 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 3 huyện, thành phố đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là Vĩnh Thuận, Kiên Lương và thành phố Hà Tiên, mỗi huyện nông thôn mới có từ 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh tỉnh duy trì và nâng cao chất lượng các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng xã đạt chuẩn mới nâng cao hoặc kiểu mẫu. Năm 2021, tỉnh phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%, sử dụng nước sạch sinh hoạt 62%, giải quyết việc làm cho 35.000 lượt lao động trở lên, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giữ ở mức 1%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 90%.

Theo đó, tỉnh Kiên Giang tiếp tục rà soát, thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu còn lại trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và tập trung triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2025. Ngoài việc huy động các nguồn lực, tỉnh thường xuyên phổ biến các mô hình, điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới để nhân rộng, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ứng dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân.

[Kiên Giang ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào 5 lĩnh vực]

Tỉnh tiếp tục chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cho người dân nông thôn. Tỉnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, các chuỗi liên kết sản xuất, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.

Tỉnh chú trọng đầu tư Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phấn đấu 30-50 sản phẩm đạt 3 sao trở lên; trong đó có ít nhất 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm 5 sao cấp tỉnh và ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Tổng kinh phí thực hiện chương trình OCOP Kiên Giang năm 2021 dự kiến khoảng 64 tỷ đồng.

Năm 2020, tỉnh Kiên Giang tập trung các nguồn vốn hơn 732 tỷ đồng thực hiện xây dựng nông thôn mới, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế, nhất là hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Nhờ vậy đến nay, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được cứng hóa với tổng chiều dài hơn 6.365km, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, tạo điều thuận lợi cho phát triển sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Đại lộ Trần Phú, trung tâm thành phố Rạch Giá. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tiếp đến, hệ thống thủy lợi ngày càng được đầu tư đồng bộ, xây dựng hoàn thiện nhiều công trình cống, đập, đê sông, đê biển phục vụ sản xuất, nhất là vùng chuyên canh lúa, nuôi trồng thủy sản tập trung. Tỉnh hình thành nhiều cánh đồng lớn sản xuất lúa, vùng nuôi tôm tập trung theo phương pháp thâm canh, bền vững về môi trường sinh thái, hiệu quả.

Cụ thể năm 2020, toàn tỉnh gieo trồng lúa đạt hơn 725.860ha; trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm khoảng 80% và sản xuất 100 cánh đồng lớn, với diện tích 30.672ha gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; phát triển hình thức nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh ở các vùng nuôi tôm trọng điểm, nuôi công nghiệp-bán công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên, tôm-lúa vùng U Minh Thượng.

Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa-xã hội với những chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân, nước sạch sinh hoạt, vệ sinh môi trường… đã góp phần cải thiện, nâng lên đời sống người dân khu vực nông thôn, thu nhập bình quân đầu người đạt 59 triệu đồng/người và giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,69% cuối năm 2020.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến cuối tháng Một năm nay, tỉnh này có 81/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 11 huyện, thành phố có từ 50% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. Cụ thể là 3 thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc và các huyện Tân Hiệp, Vĩnh Thuận, Giồng Riềng, Gò Quao, Kiên Lương, Châu Thành, U Minh Thượng, Kiên Hải./.

Lê Huy Hải (TTXVN/Vietnam )
https://www.vietnamplus.vn/kien-giang-du-kien-dau-tu-17-400-ty-dong-xay-dung-nong-thon-moi/698449.vnp

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu