Thứ Bảy, 11/01/2025 04:10 (GMT +7)

Kiên Giang phòng, chống hạn, xâm nhập mặn

Thứ 2, 11/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Theo dự báo của ngành chuyên môn, do ảnh hưởng của El Nino, dự báo tình trạng xâm nhập mặn năm 2016 sẽ đến sớm và kéo dài. Trước tình hình trên, tỉnh Kiên Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với hiện tượng này.

Ông Cao Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang khuyến cáo, trên cơ sở đặc điểm nguồn nước của từng vùng, bố trí cơ cấu cây trồng, thời vụ sản xuất hợp lý, tranh thủ xuống giống sớm để đề phòng thiếu nước, xâm nhập mặn vào cuối vụ. Đối với các vùng nuôi thủy sản, căn cứ vào dự báo hạn mặn, tình hình thời tiết để điều chỉnh lịch mùa vụ thả nuôi thích hợp. Kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, quản lý vận hành đóng, mở hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt hợp lý theo yêu cầu thực tế tại từng thời điểm sản xuất. Do tình hình khô hạn có thể kéo dài, các cống sẽ đóng cửa để giữ ngọt, ngăn mặn trong thời gian dài dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời khuyến cáo người dân ở gần các cống giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt chất thải xuống dòng kênh.

Lúa đông xuân ở ấp Bào Trâm, xã Nam Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) đang trong tình trạng thiếu nước, khô hạn nghiêm trọng. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN

Đối với vùng ven biển huyện An Biên, An Minh, một số khu vực cục bộ ở thành phố Rạch Giá, huyện Châu Thành, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành bị xâm nhập mặn do hệ thống cống ngăn mặn chưa được xây dựng đồng bộ, cần khảo sát thực tế và triển khai đắp các đập ngăn mặn. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, khắc phục ngay các điểm xâm nhập mặn, thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt vùng nông thôn. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi theo kế hoạch năm 2015 để sớm đưa vào khai thác, tạo nguồn nước tưới cho sản xuất.

Ông Cao Văn Nam cũng đề nghị các địa phương tăng cường thăm đồng, kết hợp kiểm tra các vùng sản xuất bị ảnh hưởng hạn, mặn. Vận động nông dân gia cố, sửa chữa bờ vùng, bờ thửa áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, phòng trừ dịch hại và các kỹ thuật canh tác trong điều kiện hạn chế về nước tưới. Mặt khác, khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra bờ vùng, bờ thửa, khắc phục kịp thời các sự cố rò rỉ gây thất thoát nước; kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới.
Không chỉ lo cho sản xuất, nuôi trồng của nông dân, mà ngay trung tâm thành phố Rạch Giá, người dân lo nhất vẫn là nguồn nước phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày. Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình hình xâm nhập mặn năm 2016 sẽ đến sớm và kéo dài. Cụ thể, dự báo tình hình xâm nhập mặn diễn ra vào cuối tháng 12/2015 và kéo dài đến tháng 6/2016. Thời gian xâm nhập mặn sâu và liên tục có thể kéo dài đến 20 ngày. Trường hợp mặn xâm nhập 20 ngày liên tục, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang cố gắng phân vùng và tách mạng cấp nước, bảo đảm cấp nước ổn định cho bệnh viện, trường học trên địa bàn thành phố Rạch Giá.

Ông Bùi Văn Tuấn, ấp Hai Trong, xã Nam Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) bên trà lúa Mùa bị lép hạt, thiệt hại trên 90% do nhiễm mặn. Ảnh: Lê Huy Hải – TTXVN

Hiện nhà máy nước của Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang cấp nước cho thành phố Rạch Giá và huyện Hòn Đất, với công suất 50.000 m3/ngày, đêm. Nhà máy tiếp nhận nguồn nước thô từ kênh Rạch Giá – Long Xuyên thông qua tuyến kênh dẫn nước Tà Tây dài 3,3 km. Hồ nước thô đặt tại phường Vĩnh Thông, thành phố Rạch Giá có dung tích 500.000 m3 nằm song song và thông với tuyến kênh dẫn nước Tà Tây, cách cửa sông lấy nước đầu nguồn 2,2 km. Hồ nước thô có nhiệm vụ sơ lắng và dự trữ nước cho mùa khô khi nhà máy không thu được nước ngọt. Như vậy, với điều kiện hiện tại, trường hợp nguồn nước đầu vào bị nhiễm mặn, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang chỉ bảo đảm cung cấp nước ổn định cho thành phố Rạch Giá và một phần huyện Hòn Đất khoảng 10 ngày, đêm.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phương cho biết, để chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt, Công ty sẽ tiến hành khoan 16 giếng công cộng ở các phường trong nội ô thành phố Rạch Giá. Đồng thời, khôi phục một số giếng nước ngầm do Công ty quản lý, bổ sung cụm xử lý nước đạt tiêu chuẩn cho phép, như giếng nước sân bay đường Cách Mạng Tháng Tám, trạm cấp nước Rạch Sỏi tại khu dân cư bến xe tỉnh.
Dự kiến những tháng đầu năm 2016, Nhà máy nước khu công nghiệp Thạnh Lộc có công suất 5.000 m3/ngày, đêm đi vào hoạt động, bổ sung nước sinh hoạt cho người dân. Cống ngăn mặn tại cửa Sông Kiên dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trước Tết Bính Thân 2016 sẽ góp phần hạn chế nguồn nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.
Theo ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là phòng, chống hạn, mặn mùa khô 2016, các địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để vận động, hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; triển khai theo dõi xâm nhập mặn từng khu vực trong địa bàn để có biện pháp chủ động phòng, chống có hiệu quả.
Bên cạnh đó, kiểm tra hệ thống các đập, bờ bao ngăn mặn, nếu chưa thấy đảm bảo thì gia cố, bồi đắp thêm. Duy tu, sửa chữa trạm bơm, máy bơm của tập thể, cá nhân để chủ động bơm tát. Tổ chức kiểm tra, xử lý những sự cố hư hỏng các công trình thủy lợi, tập trung nạo vét, tu bổ hệ thống kênh mương do các đơn vị, địa phương quản lý; tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả. Ngoài ra, có biện pháp giải quyết nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân, nhất là ở các huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Lê Sen- TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu