Thứ Năm, 01/05/2025 15:59 (GMT +7)

Kinh tế toàn cầu phân mảnh: Thách thức đối với các nước đang phát triển

Thứ 5, 01/05/2025 | 10:37:02 [GMT +7] A  A

Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) cho rằng chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đẩy nhanh quá trình phân mảnh kinh tế toàn cầu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bài viết đăng trên Project Syndicate, ông Rabah Arezki, Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) cho rằng chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đẩy nhanh quá trình phân mảnh kinh tế toàn cầu, và các nước đang phát triển có thể phải chịu ảnh hưởng.

Hiện nay, các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với một chuỗi các rủi ro đan xen: lạm phát do nhập khẩu (trong bối cảnh thuế quan tăng) có thể khiến kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, từ đó làm giảm giá hàng hóa xuất khẩu, gia tăng bất ổn trong môi trường kinh doanh và đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh.

Chính sách thuế quan mới của Mỹ đặt các nước đang phát triển trước nhiều thách thức. Để tồn tại và phát triển, nhóm nước này buộc phải vượt qua những bất ổn, đồng thời vẫn phải đáp ứng nhu cầu việc làm và cơ hội phát triển cho bộ phận dân số trẻ đang tăng nhanh.

Mục tiêu này đòi hỏi sự cân bằng giữa việc duy trì thị trường mở và bảo vệ chủ quyền kinh tế. Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện.

Hầu hết các nước đang phát triển ở châu Phi, Mỹ Latinh, cùng các khu vực ở Nam Á và Trung Á phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng và xuất khẩu nông sản – các lĩnh vực thường do các tập đoàn đa quốc gia (chủ yếu là phương Tây) chi phối.

Các tập đoàn này thường bị cáo buộc là chỉ khai thác tài nguyên mà không mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, tình hình đang thay đổi khi nhiều chính phủ khẳng định chủ quyền kinh tế và yêu cầu chia sẻ giá trị được tạo ra từ đầu tư nước ngoài một cách công bằng hơn.

Để tái cân bằng mối quan hệ này, các quốc gia đang phát triển cần đàm phán hợp đồng minh bạch hơn và xây dựng năng lực thể chế mạnh mẽ nhằm đạt được các điều khoản có lợi hơn, tăng nguồn thu thuế và đầu tư vào hạ tầng và các chương trình xã hội.

Với các ngành khai khoáng đòi hỏi vốn lớn, chính sách nội địa hóa được thiết kế tốt có thể tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực và thúc đẩy tạo việc làm. Một số chính phủ yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia phải xử lý, chế biến nguyên liệu tại thị trường trong nước.

Ví dụ, Botswana tận dụng việc nắm giữ 15% cổ phần trong De Beers – công ty kim cương lớn nhất thế giới – để tăng tỷ lệ kim cương thô được cắt trong nước.

Cũng có quan điểm cho rằng các nền kinh tế đang phát triển nên từ bỏ thị trường mở để tránh sự chi phối từ các tập đoàn đa quốc gia.

Tuy nhiên, ông Rabah Arezki lưu ý rằng việc cắt đứt quan hệ với các tập đoàn đa quốc gia sẽ khiến các nước phát triển theo mô hình tự cung tự cấp, cản bước đi lên của công nghệ, thu hẹp cơ hội tiếp cận thị trường và tài chính quốc tế. Ngay cả Trung Quốc – với quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh – cũng chưa từng làm như vậy.

Dù vậy, việc điều chỉnh là cần thiết. Giới chuyên gia đồng thuận rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đóng vai trò quan trọng trong tiến trình tạo việc làm ở các nước đang phát triển, nhưng thực tế lại phức tạp hơn.

Ở nhiều nơi, thị trường lao động bị chia rẽ: một bên là doanh nghiệp nhà nước và công ty tư nhân (bao gồm cả các tập đoàn đa quốc gia), bên còn lại là các SME hoạt động phi chính thức, năng suất thấp và đang phải vật lộn để trả cho người lao động mức lương đủ sống. Chỉ một số ít SME có thể mở rộng quy mô, tập hợp nhân tài, tập trung tài chính và tiếp cận thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, việc ưu tiên hỗ trợ SME chỉ vì quy mô của họ là một cách tiếp cận sai lầm, vì trợ cấp cho SME hiếm khi dẫn đến tăng trưởng bền vững. Ví dụ, khi chương trình hỗ trợ các SME ở Ấn Độ bị bãi bỏ vào cuối những năm 1990, tác động đến việc làm không đáng kể.

Giải pháp hiệu quả hơn là chính sách công nghiệp "lai" - kết hợp trợ cấp tạm thời cho các SME (với điều khoản hiệu lực rõ ràng) với áp lực cạnh tranh - nhằm thúc đẩy hiệu suất và tránh lãng phí. Quan trọng hơn, các chính phủ cần chào đón các tập đoàn đa quốc gia, nhưng cần khuyến khích mạnh mẽ việc chia sẻ công nghệ và nội địa hóa sản xuất nhằm tạo ra việc làm chất lượng cao.

Trung Quốc là một ví dụ. Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, Trung Quốc đã thúc đẩy chuyển giao công nghệ bằng cách yêu cầu các tập đoàn nước ngoài phải liên doanh với các công ty Trung Quốc.

Chiến lược của Trung Quốc khả thi là nhờ sức hấp dẫn của lao động giá rẻ, cùng thị trường nội địa rộng lớn.

Trong khi đó, các nước châu Á khác dù rất nỗ lực thu hút các tập đoàn nước ngoài, nhưng lại gặp khó khăn trong việc nội địa hóa sản xuất và phát triển chuyên môn.

Ông Rabah Arezki nhấn mạnh rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phân mảnh, động lực thúc đẩy chủ quyền kinh tế ngày càng mạnh mẽ, các tập đoàn đa quốc gia phải chú ý đến nhu cầu của các nền kinh tế đang phát triển - đó là mong muốn được chia sẻ công bằng hơn những lợi ích từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng như những lợi ích của thị trường mở./.

Theo Vietnam+

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/kinh-te-toan-cau-phan-manh-thach-thuc-doi-voi-cac-nuoc-dang-phat-trien-post1036068.vnp

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu