Thứ Tư, 13/11/2024 08:46 (GMT +7)

Kon Tum không để dân đói, dân khát vì hạn hán

Thứ 4, 16/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Tại thành phố Kon Tum, chính quyền đã mua 11 bồn chứa nước cấp về phường Trần Hưng Đạo “điểm nóng” về thiếu nước của thành phố, giúp dân trữ nước.

Năm 2015, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Kon Tum thấp kỷ lục so với cùng kỳ nhiều năm trước từ 1.100 – 1.600 mm, bằng 40 – 60% so với tổng lượng mưa trung bình nhiều năm. Trước tình hình này, kết thúc mùa mưa, UBND tỉnh đã chủ động ban hành kế hoạch phòng chống hạn cho vụ Đông Xuân 2015-2016.Tuy nhiên, đến nay, diện tích cây trồng bị hạn đã vượt hơn 1.100 ha. Dự kiến, trong 1 tháng tới khi Kon Tum ở đỉnh điểm của hạn hán, thời tiết không mưa thì diện tích bị thiệt hại sẽ tăng gấp 5 lần.

Hạn hán diễn biến ngày một phức tạp

Trong 3 tháng qua, mực nước trên các nhánh sông chính của sông Sê San (sông Pô Kô, Đăk Bla) liên tục thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 – 1,5 m. Lưu lượng nước trên các sông liên tục duy trì mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 35 – 65%.

 

Xe bồn cấp nước cho người dân phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN

 

Hiện tại, mực nước ở các hồ thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 2 – 8 m. Hầu hết các đập dâng, sông, suối mực nước đã xuống cạn kiệt so với trung bình nhiều năm. Theo dự báo, cuối vụ Đông Xuân, diện tích bị hạn sẽ xảy ra trên diện rộng, tập trung chủ yếu ở các huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Hà và thành phố Kon Tum. Cùng với đó, toàn tỉnh có gần 4.100 giếng nước bị khô hạn, thiếu nước.

Sa Thầy là huyện trọng điểm với gần 1.500 giếng bị thiếu nước. Hàng trăm giếng đào ở các dự án tái định cư của thủy điện Ia Ly đã khô cạn nước. Hàng nghìn hộ dân sống trên “đại hồ” của thủy điện Ia Ly đang nỗ lực chống thiếu nước sinh hoạt từng ngày. Chị Nguyễn Thị Xuân Yến, thôn Bình Nam, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy cho biết: Nước sinh hoạt hàng ngày không có, người dân phải xuống suối lấy nước về dùng. Các giếng đào tại khu tái định cư của thủy điện Ia Ly đã cạn. Dân không thể nạo vét, đào xuống là trúng đá bàng. Mạch nước thì mạch ngang nên nếu đào sâu cũng chẳng có nước.

Cùng cảnh ngộ trên, gần 200 hộ dân người Ba Na ở làng Ka Bầy, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy cũng đang vất vả vì thiếu nước. Giếng cạn, không đủ nước dùng, người dân phải xếp hàng xuống suối để lấy nước. Tuy nhiên, nước ở con suối chảy qua làng cũng gần như cạn kiệt, chảy nhỏ giọt. Nguồn nước sinh thủy quá ít, nhu cầu nhiều nên cứ đến chiều người dân lại xếp hàng đợi cả tiếng để lấy nước về dùng. Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đang tập trung tuyên truyền, vận động dân hỗ trợ nhau để giải quyết khó khăn trước mắt. Hộ nào còn nước thì chia sẻ cho hộ khó khăn.

Tại huyện Đăk Hà, vùng trọng điểm trồng cà phê của tỉnh Kon Tum, tình trạng hạn hán cũng xảy ra nghiêm trọng. Hồ Đăk Uy, công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Kon Tum chỉ đủ nước tưới đợt 3. Nếu trong hơn 1 tháng nữa không có mưa thì gần 8.000 ha cà phê sẽ không có nước tưới, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng không chỉ trong vụ này mà còn nhiều vụ sau. Ông Hoàng Nghĩa Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà khẳng định: Nếu hạn kéo dài, huyện sẽ bỏ diện tích lúa để cứu cà phê. Vì lúa cần nhiều nước, nếu thiệt hại chỉ một vụ, còn cà phê thì lâu dài. Huyện đã tính tới phương án bơm nước từ lòng hồ thủy điện Pleikrông để cứu cây công nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi kinh phí quá lớn.

Trước thực trạng hạn hán xảy ra trên diện rộng và có khả năng gây thiệt hại lớn, ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum thừa nhận tình trạng hạn hán diễn biến ngày một phức tạp.

Không để dân đói, dân khát

Đến giữa tháng 3, toàn tỉnh Kon Tum đã có hơn 1.100 ha cây trồng bị hạn, trong đó diện tích mất trắng là 280 ha. UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các địa phương nạo vét kênh mương, thông dòng, chuẩn bị các phương án bơm tưới cứu cây trồng. Huyện Sa Thầy huy động máy bơm, xuất kinh phí để hỗ trợ cho người dân cứu lúa Đông Xuân. Các địa phương khác trong tỉnh cũng nỗ lực huy động vật tư, máy móc, nhân lực, tìm nguồn nước để bơm chống hạn cho gần 180 ha lúa nước, chủ yếu ở các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Đăk Tô, Đăk Glei, thành phố Kon Tum. Đến nay, diện tích này đã được bơm chống hạn và lúa có khả năng phục hồi. “Các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung cho công tác chống hạn. Tinh thần là không để dân đói, không để dân khát vì hạn hán. Đây là nguyên tắc cương quyết, các địa phương phải làm được việc này”, ông Nguyễn Hữu Hải khẳng định.

Thực hiện chỉ đạo trên, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh Kon Tum đang rà soát diện tích bị hạn, có khả năng bị hạn và diện tích mất trắng để có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho dân (hỗ trợ giống phục vụ cho vụ Hè Thu). Nếu xảy ra nạn đói, UBND tỉnh yêu cầu địa phương xuất quỹ dự phòng hỗ trợ gạo cứu đói, giúp dân ổn định cuộc sống.

Hiện tại, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các huyện rà soát lại các hệ thống cấp nước tập trung, giếng đào để có cơ chế hỗ trợ nhân dân nạo vét. Tại thành phố Kon Tum, chính quyền đã mua 11 bồn chứa nước cấp về phường Trần Hưng Đạo “điểm nóng” về thiếu nước của thành phố, giúp dân trữ nước. Thành phố chi kinh phí vận chuyển, người dân bỏ tiền mua nước bằng giá quy định nhà nước. Cách làm hay, thiết thực của chính quyền thành phố Kon Tum đã trở thành điểm sáng cho các địa phương khác trong tỉnh làm theo.

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu