Chủ Nhật, 19/01/2025 22:03 (GMT +7)

Kỷ niệm 55 Ngày thành lập Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Thứ 2, 03/04/2017 | 11:11:00 [GMT +7] A  A

Ngày 2/4, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (1962 – 2017).

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Anh Linh/TTXVN phát

Đến dự và phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương và chúc mừng những thành tích nổi bật mà các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ, viên chức của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đạt được trong suốt chặng đường phát triển đầy khó khăn, thách thức nhưng rất đỗi tự hào và vinh quang của nhà trường.

Phó Chủ tịch nước nêu rõ, đất nước đang đứng trước thời cơ, vận hội to lớn nhưng cũng đan xen nhiều thách thức, khó khăn. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển bền vững cần phải phát huy đầy đủ và hiệu quả sức mạnh nội sinh của cả dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, các giảng viên, nhà khoa học chuyên ngành báo chí – truyền thông, lý luận chính trị, tư tưởng văn hóa là những người giữ vai trò tiên phong trong việc truyền bá, động viên thế hệ trẻ và toàn xã hội phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, thổi bùng ngọn lửa khát vọng, ý chí quyết tâm đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị Học viện Báo chí và Truyên truyền cần hết sức coi trọng đào tạo, bồi dưỡng cho sinh viên phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có bản lĩnh chính trị vững vàng; tiếp tục đổi mới căn bản nội dung chương trình, phương pháp dạy và học, phát huy tối đa tính chủ động trong học tập; xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu chính trị của Học viện; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy; góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển các chương trình nghiên cứu khoa học, từng bước hội nhập với khu vực và trên thế giới…

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Anh Linh/TTXVN phát

Giám đốc Học viện Báo Chí và Tuyên truyền Trương Ngọc Nam cho biết: Học viện Báo chí và Tuyên truyền không chỉ là một trường Đại học, mà còn là một trong số những cơ sở đào tạo có uy tín trong hệ thống các trường Đảng của đất nước. Hiện nay, Học viện có 320 cán bộ, giảng viên, trong đó có 109 Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, 211 Thạc sỹ và hàng chục cán bộ đang theo học các chương trình Thạc sỹ, Tiến sỹ trong và ngoài nước. Có thể nói, so với hệ thống các cơ sở đào tạo trong cả nước, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có đội ngũ nhà khoa học khá hùng hậu, đủ khả năng đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo chất lượng cao đội ngũ cán bộ lý luận chính trị và truyền thông cho Đảng, Nhà nước ở tất cả các đại học và trên đại học.

Hiện nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang đào tạo 28 ngành, chuyên ngành bậc Đại học, 19 ngành, chuyên ngành đào tạo bậc Cao học và 4 ngành đào tạo trình độ Tiến sỹ; trong đó có những chuyên ngành đạo tạo đầu tiên hoặc duy nhất tại Việt Nam như: Công tác tư tưởng; Phát thanh – truyền hình; Quan hệ công chúng; Quảng cáo; Thông tin đối ngoại…với quy mô đào tạo mỗi năm hơn 2.000 sinh viên đại học chính quy tập trung, gần 2.000 sinh viên đại học vừa học vừa làm cho các ban, ngành, đoàn thể của Trung ương và địa phương; hơn 500 học viên cao học và hơn 50 Tiến sĩ mỗi năm.

Đặc biệt, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo đầu tiên trong hệ thống các trường Đảng tiên phong liên kết đào tạo quốc tế khi triển khai chương trình quốc tế ngành Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Truyền thông với Đại học Middlesex của Vương quốc Anh. Những năm qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã triển khai nghiên cứu gần 4.000 đề tài các cấp phục vụ nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; biên soạn hàng trăm tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học…

Trong suốt 55 xây dựng và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đào tạo, bồi dưỡng gần 70 nghìn cán bộ lý luận, chính trị, tư tưởng – văn hóa, công tác Đảng, báo chí – truyền thông, trong đó có hàng nghìn cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho hệ thống các trường Đảng, các trường Đại học, cao đẳng, hàng nghìn phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý ở các nhà xuất bản, các báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình trong cả nước.

Đội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn cao, đã có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Nhiều người trong số đó đã trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước; các nhà khoa học hàng đầu, các nhà báo, biên tập viên có tên tuổi của đất nước.

Đỗ Bình (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu