Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 18/01/2025 06:02 (GMT +7)
Kỳ vọng thị trường kinh doanh nội địa ‘hồi sinh’ sau dịch COVID-19
Thứ 7, 16/05/2020 | 10:09:00 [GMT +7] A A
Mặc dù dịch COVID-19 vẫn hoành hành trên thế giới nhưng về cơ bản, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình trong gần một tháng qua, không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Người dân ngày càng có nhu cầu mua sắm hàng hóa tại siêu thị.
“Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa trong bối cảnh khó khăn chung của dịch COVID-19 ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu”, TS. Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam nói.
Kinh tế Việt Nam đã và đang trải qua giai đoạn rất khó khăn vì dịch COVID-19. Theo Tổng cục thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Riêng lĩnh vực thương mại nội địa, nhiều cửa hàng cửa hiệu phải đóng cửa ngưng hoạt động trong thời gian dài hoặc nghỉ hẳn kinh doanh. Nhiều siêu thị và trung tâm thương mại, cửa hàng chịu tác động mạnh, doanh số sụt giảm.
Theo báo cáo Bộ Công Thương, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội 4 tháng đầu năm 2020 đã giảm 4,27% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm đến 9,6%). Một mức suy giảm doanh thu chưa từng có trong nhiều năm nay ở thị trường nội địa.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng: Trước kia doanh nghiệp Việt khá phụ thuộc vào thị trường của nước láng giềng Trung Quốc với quy mô rộng, tầng lớp trung lưu khá lớn, nhu cầu tiêu dùng cao và doanh nghiệp có thể đáp ứng. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, thị trường Trung Quốc đã giảm sức mua khá rõ rệt nên doanh nghiệp Việt Nam cần có những phương án thay thế, trong đó việc quay trở lại “sân nhà” là một chiến lược đúng đắn và vô cùng cần thiết.
Với thị trường 100 triệu dân, Việt Nam lại có cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18 – 50), chi tiêu hộ gia đình dự báo tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020. Vì vậy, đây chính là những khoảng trống và điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao và mở rộng thị phần nội địa.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú nói: “Trong lúc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt trong nước, các nhà quản lý, địa phương, doanh nghiệp cần đặc biệt coi trọng thị trường nội địa. Nếu chúng ta để mất thị trường này, mất hệ thống phân phối thì sẽ mất cả sự liên kết giữa sản xuất và phân phối ắt sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tình hình xuất khẩu vẫn đang trở ngại do dịch COVID-19 ở các nước chưa được khắc phục”.
Theo ông Vũ Vinh Phú, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, công khai minh bạch. Chống ép giá; kiên quyết chống độc quyền trong kinh doanh, găm hàng, đầu cơ, chuyển giá, trốn lậu thuế, phải biết chia sẻ với các bạn hàng, nhất là trong những lúc khó khăn như hiện nay.
Đại diện cho cộng đồng DNNVV, TS Tô Hoài Nam cho rằng, khi kinh doanh trên thị trường nội địa, các doanh nghiệp Việt có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài. Việt Nam là một trong những nước làm công tác phòng chống dịch rất thành công nên việc khai thác thị trường nội địa được xem là biện pháp cứu cánh lúc này.
“Tất cả mặt hàng thiết yếu đều có thể khai thác mạnh mẽ, đặc biệt liên quan đến sản xuất đồ gia dụng, may mặc… Trong các lĩnh vực khác như giáo dục, đào tạo, củng cố các hoạt động du lịch nội địa, cơ sở dịch vụ cho du lịch, phát triển các dự án đầu tư công, tạo điều kiện cho các ngành sản xuất gạch gói, xi măng… sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn”, TS Tô Hoài Nam nhấn mạnh.
Theo Hiệp hội DNNVV, doanh nghiệp cần đảm bảo đạt chuẩn hàng hóa đề giữ uy tín, cũng cần chú trọng tới trách nhiệm xã hội của mình. Trong thời điểm khó khăn, để xây dựng thương hiệu tốt, ngoài chất lượng hàng hóa cũng cần có trách nhiệm xã hội. Đơn cử như khi sản xuất không gây ảnh hưởng đến môi trường… Để có thể kích thích tiêu dùng, vực dậy sản xuất thì vẫn phải tập trung vào đầu tư công, phát triển một số ngành mũi nhọn, tạo việc làm kéo theo một số ngành liên quan, giúp nền sản xuất trong nước phát triển.
Trong bối cảnh dịch bệnh, Chính phủ đã có nhiều chỉ thị với ý chí quyết tâm tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp như: Giảm bớt áp lực về thuế, giãn nợ, giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng vay tiền không lãi suất để trả lương giữ chân người lao động cùng nhiều chính sách khác.
“Theo tôi, đây là những chính sách tốt, bao hàm cả ngắn hạn và trung hạn. Điều cần nhất lúc này là đẩy nhanh quá trình thực hiện chính sách, không để thất thoát, không để cá nhân hay tổ chức nào trục lợi từ chính sách”, ông Tô Hoài Nam nói.
Chia sẻ thêm vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú nhất mạnh: Trong việc phục vụ thị trường nội địa, nói đến bán lẻ không thể không đề cập đến vai trò của các chợ truyền thống đang tồn tại chiếm một tỷ trọng trên 70% về doanh số và trên 80% về những mặt hàng tươi sống để phục vụ người dân hàng ngày.
Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, vẫn còn địa phương, bộ, ngành có lúc đã “bỏ quên” kênh tiêu thụ quan trọng này. Hạ tầng chợ dân sinh ở các địa phương bị xuống cấp, thời gian dài địa phương không có tiền để cải tạo chợ.
Bài và ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/ky-vong-thi-truong-kinh-doanh-noi-dia-hoi-sinh-sau-dich-covid19-20200515195122191.htm
Ý kiến ()