Thứ Năm, 16/01/2025 23:46 (GMT +7)

Lãi suất cho vay ưu tiên ngắn hạn ở mức 6-7%/năm

Thứ 3, 18/04/2017 | 09:01:00 [GMT +7] A  A

Theo NHNN, trong quý I/2017, dư nợ tín dụng cho sản xuất, kinh doanh chiếm khoảng 80%. Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm.

Đánh giá về xu hướng lãi suất thời gian qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng, nhìn chung lãi suất huy động không có biến động lớn, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo dõi chặt chẽ tình hình để tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng ổn định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo NHNN, trong quý I/2017, dư nợ tín dụng cho sản xuất, kinh doanh chiếm khoảng 80%. Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm.

Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

Ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ xây dựng Việt Nam cho biết, thời gian qua, Chính phủ cùng các ngân hàng đã dành nhiều chính sách tín dụng ưu đãi lãi suất để khuyến khích doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và tháo gỡ khó khăn.

Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã dần ổn định, giải quyết được những vấn đề bí bách về nguồn vốn, khắc phục được nguy cơ phải dựa vào tín dụng đen hay những nguồn không chính thức.

Thực tế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ cũng như yêu cầu của NHNN về việc tiết kiệm chi phi, hướng tới giảm lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng đã tích cực hỗ trợ lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Chẳng hạn, để tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã áp dụng chế độ ưu đãi về lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh từ nay đến hết ngày 30/11/2017.

Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất theo hướng ổn định. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo đó, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn được điều chỉnh giảm từ 8,2%/năm xuống 7,4%/năm đối với các khoản vay 9 tháng, và giảm từ 8,5%/năm xuống 7,7%/năm đối với khoản vay 12 tháng.

Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hiện duy trì mức lãi suất cho vay thấp nhất 6,5%/năm đối với một số lĩnh vực.

Hay Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đang tham gia các chương trình cho vay lãi suất đồng hành cùng doanh nghiệp và các chương trình cho vay ngắn hạn; các chương trình được Chính phủ ưu tiên phát triển với các mức lãi suất hỗ trợ. Đặc biệt SHB có những chương trình cho vay ưu đãi đối với nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu…

Mặc dù từ đầu năm diễn biến khá ổn định nhưng khoảng giữa tháng 2, thị trường tiền tệ ghi nhận một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh lãi suất huy động, phần nào gây tâm lý lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng.

Tuy nhiên lý giải việc này Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, việc này chỉ mang tính cục bộ, tạm thời ở một vài NHTM cổ phần nhỏ trong thời gian ngắn với mức tăng không lớn.

Và việc tăng này chủ yếu áp dụng cho các kỳ hạn dài và một số đối tượng khách hàng; ngay sau đó lãi suất lại điều chỉnh giảm phù hợp với cung-cầu thị trường.

Khối NHTM nhà nước và cổ phần lớn vẫn giữ ổn định lãi suất, đồng thời vẫn có các ngân hàng điều chỉnh giảm nên về cơ bản mặt bằng lãi suất thị trường vẫn ổn định. Mặt bằng lãi suất cho vay chưa chịu sức ép tăng và vẫn tương đối ổn định, Vụ Chính sách Tiền tệ cho biết.

Công bố mới đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng phân tích theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đã giảm xuống còn 50% kể từ đầu năm 2017. Điều này gây ra áp lực thay đổi cơ cấu nguồn huy động, đặc biệt đối với các ngân hàng thương mại nhỏ.

Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra tại những ngân hàng thương mại nhỏ, với các gói huy động trung và dài hạn. Trong khi đó, nguồn huy động ngắn hạn duy trì ổn định trong quý I, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến ở mức 4,8-5,4%.

Trong một cuộc họp mới đây giữa Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng với các ngân hàng thương mại, các ngân hàng đều đồng thuận với những đánh giá của NHNN và cho rằng không có áp lực về vấn đề lãi suất. Nhóm ngân hàng TMCP nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đều không có điều chỉnh lãi suất kể từ cuối năm 2016 đến nay.

Ông Lê Đức Thọ – Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của VietinBank kể cả cho vay bằng USD hiện duy trì ổn định. Mức lãi suất huy động VND duy trì từ tháng 9/2016 đến nay không tăng, thời gian tới VietinBank tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất.

Còn theo Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, ông Phạm Thanh, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của ngân hàng hiện thấp hơn 30%. Do vậy, Vietcombank cũng không có áp lực huy động vốn cho trung và dài hạn thêm nữa.

Một số ngân hàng TMCP như Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB), ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)… thời gian qua không có điều chỉnh về lãi suất và cũng thống nhất cho rằng không có áp lực về vấn đề lãi suất.

Chịu tác động trực tiếp từ những điều chỉnh lãi suất của ngân hàng, doanh nghiệp, giới đầu tư đều có những nhìn nhận và tính toán ở các góc độ liên quan.

Ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ xây dựng Việt Nam cho biết, việc điều chỉnh lãi suất tín dụng có ảnh hưởng tới tâm lý doanh nghiệp. Một số thành viên thuộc hiệp hội cho biết đang tính tới những phương án huy động nguồn vay hiệu quả để bù đắp hoặc thay thế trong trường hợp lãi suất ngân hàng tăng cao.

Tuy nhiên, trước mắt, nguồn vốn cho vay từ ngân hàng chưa có tác động và ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

Ông Hoàng Đình Trung, Giám đốc, Công ty TNHH Thanh Trung (Thanh Hóa), lại tỏ ra băn khoăn: “Chúng tôi là doanh nghiệp đầu mối, chuyên doanh các mặt hàng điện tử, đồ gia dụng tại địa phương. Quy mô chỉ là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên việc tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi theo các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp là không nhiều”.

Doanh nghiệp chỉ có nguyện vọng, nếu việc tăng lãi suất là yêu cầu phù hợp trong bối cảnh hiện nay, thì cũng cần có lộ trình và tỷ lệ tăng sao cho linh hoạt. Tránh gây sốc và những tác động tiêu cực khi sức khỏe của đa phần cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa đủ vững vàng.

Thị trường bất động sản đang phục hồi, trong khi lãi suất tiền gửi tăng, điều này có tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán?

Phân tích góc độ đầu tư chứng khoán, bà Nguyễn Phương Thảo, Giảng viên Học viện Ngân hàng cho rằng, khi lãi suất tiền gửi tăng thì lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng sẽ tăng lên, đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay để kinh doanh chứng khoán cũng tăng. Vì vậy, các nhà đầu tư đi vay tiền đầu tư chứng khoán sẽ phải tính kỹ lợi nhuận của đầu tư chứng khoán và tiền lãi phải trả cho ngân hàng.

Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán sẽ phải đưa ra những sản phẩm mới có tính an toàn hơn và tính hiệu quả cao để “kéo” lại sự hấp dẫn nhà đầu tư. Ví dụ điển hình là sắp tới đây, trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có thêm phẩm mới là thị trường chứng khoán phái sinh.

Theo lộ trình, đến năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng thị trường chứng khoán khoán phái sinh hoàn chỉnh. Cũng theo xu hướng này, thị trường dần dần sẽ có thêm nhiều loại sản phẩm mới nữa để thu hút nhà đầu tư.

Với việc từ nay đến cuối năm và năm 2018 Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ tuyên bố tiếp tục tăng lãi suất nhiều lần nữa có thể sẽ khiến đồng đô la Mỹ tăng giá, gây sức ép lên lạm phát trong nước, đồng thời tạo sức ép lên tỷ giá và lãi suất đồng Việt Nam.

Cùng với đó là yêu cầu cần phải có giải pháp giảm thiểu mức độ tác động tới mức thấp nhất của các áp lực trong nước và quốc tế tới chính sách tiền tệ đồng thời phấn đấu giữ vững ổn định lãi suất, tỷ giá của Chính phủ. Có thể thấy nhiệm vụ của NHNN từ nay đến cuối năm khá nặng nề.

Tuy nhiên, truyền đạt chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại cuộc họp với các ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong định hướng điều hành từ đầu năm, Thống đốc cũng đưa ra mục tiêu là làm sao ổn định được mặt bằng lãi suất, phấn đấu nếu có điều kiện thì giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Nhóm PV (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu