Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 20/01/2025 19:03 (GMT +7)
Lấy phòng chống dịch COVID-19 làm tiền đề để giữ tăng trưởng kinh tế
Thứ 2, 02/11/2020 | 11:08:00 [GMT +7] A A
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, năm 2020 Việt Nam thực hiện mục tiêu kép, lấy việc chống dịch COVID-19 làm tiền đề để giữ tăng trưởng kinh tế, ưu tiên chống dịch trước là bài học quan trọng cần được đúc kết.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 2/11, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2020; Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 về phát triển KT-XH, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn…
Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty TNHH may Kydo (Khu Công nghiệp Phố nối A, Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN.
Chống chọi với cơn “bão COVID-19”
Báo cáo trước Quốc hội về tình hình KT-XH năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng rất nặng nề đến tất cả các lĩnh vực, dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất kể từ sau đại khủng hoảng 1929 – 1933.
Đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội; sản xuất kinh doanh bị đình trệ; nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập.
Cùng với đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, nhất là nắng nóng, hạn hán, giông lốc, sạt lở, lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long… cũng gây thiệt hại nặng nề, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường đòi hỏi cả nước vừa phải tập trung ưu tiên phòng, chống dịch, đồng thời cần có các chính sách, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội.
Chính phủ đã thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, đó là: Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội. Thực hiện chính sách miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế đối với một số lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19 trong năm 2020.
Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị và xã hội để dồn nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế. Trước mắt, chưa triển khai điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020.
Kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 – 2020 sang năm 2021; trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 – 2025.
Đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính, đẩy nhanh thủ tục phê duyệt, điều chỉnh các chính sách mới. Khởi công, triển khai thực hiện ngay các dự án quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan toả đến phát triển kinh tế – xã hội các địa phương, vùng và ngành, lĩnh vực. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Điều chỉnh một số dự án thành phần đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020 từ phương thức đầu tư đối tác công – tư sang đầu tư từ ngân sách nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tế về khả năng huy động vốn tín dụng để thực hiện từng dự án đối tác công – tư và có cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Chuyển đổi phù hợp cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với minh bạch hoá các chế tài xử lý có đủ mức độ răn đe; giảm số lượng, tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm.
Nhờ những giải pháp trên, mức tăng trưởng kinh tế của nước ta trong 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 – 3%. Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD.
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng năm 2020 là năm có tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong suốt quá trình đổi mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, xét bối cảnh chung và so sánh với các nền kinh tế khác thì việc Việt Nam vẫn tăng trưởng dương (2% – 3%) lại rất đáng trân trọng, nhất là về sự chống chịu, sức bền bỉ và cách thức ứng phó của những người “đứng mũi chịu sào”, của các doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19.
Chỉ ra những yếu tố để Việt Nam đạt kết quả như trên, ông Võ Trí Thành khẳng định, đầu tiên và quan trọng nhất, quyết định khả năng cầm cự, duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh của cả nền kinh tế Việt Nam là sự quyết liệt, bản lĩnh và sáng tạo của Chính phủ, cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ đã có tác động khá toàn diện đến người dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn lực để cầm cự, xoay xở dù tác động của chính sách chưa được như kỳ vọng ban đầu.
Tiếp đó là Việt Nam thành công trong công tác chống dịch. Đến thời điểm hiện tại, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng đã quay trở lại, người dân cũng quay về cuộc sống trong trạng thái “bình thường mới”.
Bên cạnh đó là tính linh hoạt và khả năng ứng phó của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đại dịch, doanh nghiệp Việt đã dùng nhiều cách để vượt qua khó khăn như: Chuyển đổi sản phẩm, linh hoạt trong tiếp cận với khách hàng, linh hoạt trong cách kinh doanh, đặc biệt là sự “lên ngôi” của thương mại điện tử và kinh tế số.
Lý giải thêm về khả năng chống chọi kiên cường của nền kinh tế Việt Nam, ông Võ Trí Thành cho rằng do Việt Nam có hệ thống ngân hàng lành mạnh, dự trữ ngoại hối tăng kể từ năm 2011, tạo ra nền tảng tốt khi gặp những “cú sốc” từ bên ngoài.
Thêm vào đó, ở Việt Nam, ngoài doanh nghiệp, còn có hàng chục triệu lao động phi chính thức (hộ gia đình, lao động tự do) và khi những hỗ trợ đến từ Chính phủ còn hạn chế thì lực lượng này chính là “bệ đỡ” tốt, người dân vẫn bảo đảm được cuộc sống ở mức tối thiểu. Chưa kể đến thói quen giữ một “tài khoản tiết kiệm” của người Việt cũng phần nào giảm được áp lực khi “cơn bão” COVID-19 ập đến.
Một điểm nữa, đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn thế giới và mạnh nhất là khu vực dịch vụ. Trong khi đó, khu vực dịch vụ của Việt Nam chiếm chưa đến 45% GDP, do đó chúng ta cũng chịu tác động ít hơn các nước.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận, nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch COVID-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 – 2020 không đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề; số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh. Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Đào tạo nguồn nhân lực còn bất cập cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự tạo động lực nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một số lĩnh vực còn chậm, hiệu quả chưa cao. Xã hội hoá dịch vụ công và đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều bất cập.
Tăng cường khả năng chống chịu với rất nhiều “cú sốc”
Nhận định rằng, năm 2020, nền kinh tế Việt Nam có thể coi là đã thoát đáy, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia, khẳng định chúng ta có niềm tin vững chắc mức tăng trưởng GDP có thể đạt được từ 2,5% – 3%, các chỉ số khác như xuất nhập khẩu, thu ngân sách… đều có thể đạt được kết quả lạc quan như báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội ngày 20/10.
Dây chuyền sản xuất giày thể thao xuất khẩu của Công ty cổ phần Giầy Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).
Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN.
Đáng chú ý, việc Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đánh giá cao, đã thể hiện tinh thần cam kết hội nhập, cải cách trong nước. Đặc biệt giữa lúc khó khăn, Việt Nam vẫn ký được Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn.
Còn theo ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, năm 2020 là năm cuối cùng của nhiệm kỳ 5 năm, có nhiều đặc thù bất khả kháng, do sự xuất hiện của dịch COVID-19, không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới; nhưng Việt Nam vẫn là một trong hai quốc gia của châu Á đạt tăng trưởng dương, đời sống người dân cơ bản vẫn được bảo đảm, không rơi vào khủng hoảng; đó là một sự thành công, làm tiền đề tốt để bước vào kế hoạch 2021-2025.
Đáng chú ý, trong năm 2020, nông nghiệp vẫn đạt kết quả khả quan, là bệ đỡ để giảm chấn cho cả nền kinh tế. “Thành công đó nói lên rằng chúng ta xác định đúng điểm yếu của nền kinh tế, triển khai các giải pháp chiến lược đồng bộ và phát huy hiệu quả sau 5 năm”, ông Nguyễn Đức Kiên nhận xét.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020.
Đề cập đến mục tiêu tăng GDP năm 2021 khoảng 6%, giai đoạn 2021-2025 là khoảng 6,5% đến 7%, TS. Võ Trí Thành cho rằng, các chỉ tiêu này có tính hiện thực và khá gần với tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành lưu ý rằng, trong bối cảnh thế giới thay đổi rất nhanh, nhiều biến động khó lường. Quan trọng nhất là giai đoạn tới, Việt Nam cần nỗ lực cải cách từng bước đi, tăng cường khả năng chống chịu với rất nhiều “cú sốc” có thể xảy ra mà ta chưa lường được.
“Tăng trưởng không chỉ là những con số khô khan, mà tăng trưởng kinh tế phải đi cùng với các khái niệm khác như: Bao trùm, tăng trưởng xanh, tăng trưởng sáng tạo, năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng… Những “cú sốc” vừa qua chính là bài học để chúng ta không nên chỉ theo những cách tính toán truyền thống”, TS. Võ Trí Thành nói.
Theo ông Võ Trí Thành, trong bối cảnh mọi thứ biến đổi rất nhanh, đầy sự bất định và rủi ro, cần tầm nhìn gắn với sự bền vững, sáng tạo, bao trùm lên con người là trung tâm… Điều cần làm nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh của con người, của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tán thành quan điểm của Thủ tướng Chính phủ rằng chương trình cơ cấu lại nền kinh tế thời gian tới cần đi vào thực chất hơn, tạo chuyển biến tích cực hơn để phát triển kinh tế tư nhân và cơ cấu lại nông nghiệp vì đây là hai lĩnh vực tiềm năng tạo thêm động lực cho tăng trưởng, TS. Võ Trí Thành nhận định những năm vừa qua, Việt Nam đã có sự chuyển biến nhận thức rất mạnh mẽ liên quan đến tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt khu vực tư nhân và nông nghiệp.
https://baotintuc.vn/kinh-te/lay-phongchong-dich-covid19-lam-tien-de-de-giu-tang-truong-kinh-te-20201101180446651.htm
Ý kiến ()