Thứ Hai, 13/01/2025 13:26 (GMT +7)

Lễ thượng cờ và khánh thành Cột cờ trên đảo Cô Tô

Thứ 3, 26/04/2022 | 16:45:09 [GMT +7] A  A

Sáng 26/4, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã long trọng tổ chức Lễ thượng cờ và cắt băng khánh thành Cột cờ chủ quyền trên đảo Cô Tô. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 61 năm Ngày Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô (9/5/1961-9/5/2022).

6 giờ 30 phút ngày 26/4, Lễ thượng cờ trên đảo Cô Tô được tổ chức trọng thể.

Công trình Cột cờ chủ quyền trên đảo Cô Tô được khởi công xây dựng ngày 14/3, do Trường đại học Giao thông vận tải chủ trì và phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng huyện Cô Tô.
 
Cột cờ có chiều cao 27,9 m (có tỷ lệ 1/1 so Cột cờ tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội). Bệ móng được thiết kế giúp Cột cờ có thể chịu được bão cấp 12 ở đảo Cô Tô, nơi vốn có sức gió rất mạnh so các vùng ven biển khác ở Việt Nam. Cột cờ được sử dụng các kỹ thuật, công nghệ và vật liệu mới, tiên tiến nhất; có độ bền lớn hơn 70 năm trong điều kiện khí hậu biển đảo.

Cột cờ chủ quyền trên đảo Cô Tô là biểu tượng trường tồn cho khí phách của dân tộc ta và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam.

Công trình này có tổng mức đầu tư gần 2 tỷ đồng, bao gồm kinh phí trực tiếp do cán bộ, viên chức và cựu sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải trao tặng thông qua hình thức xã hội hóa và nhiều ngày công đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh, công trình Cột cờ chủ quyền trên đảo Cô Tô có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; mang tính giáo dục sâu sắc, khơi dậy và phát huy niềm tự hào dân tộc, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển đảo, góp phần củng cố, nâng cao nhận thức trong thế hệ trẻ, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cột cờ chủ quyền trên đảo Cô Tô có ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho các thế hệ mai sau.

Huyện đảo Cô Tô vinh dự và tự hào là nơi duy nhất trên cả nước được Bác Hồ cho phép dựng tượng lúc Người còn sống. Khắc ghi lời căn dặn của Bác: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm tới đồng bào các đảo, mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ”. Cán bộ, chiến sĩ quân và dân trên đảo luôn một lòng đoàn kết, làm theo lời Bác dạy. Từ một huyện nghèo có 2 nghìn dân với tỷ lệ đói nghèo chiếm đến 85%, nghề khai thác thủy sản nhỏ lẻ, manh mún năng suất thấp, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, thông tin liên lạc còn khó khăn..., đến nay huyện đảo Cô Tô đang trở thành một viên ngọc xanh của vùng Đông Bắc Tổ quốc, có cơ sở vật chất khang trang, du lịch, dịch vụ phát triển, dân giàu, huyện đảo đẹp.

QUANG THỌ (Nhân Dân Online)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu