Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 13:54 (GMT +7)
Linh hoạt, đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Quốc hội
Thứ 6, 29/05/2020 | 08:49:00 [GMT +7] A A
Sau 9 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc đợt họp đầu tiên theo hình thức trực tuyến. Đây là lần đầu tiên trong hơn 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày.
Hình thức này được đánh giá là phù hợp khi cả nước đang trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID -19, đồng thời thể hiện sự chủ động, linh hoạt, đặt nền móng cho bước đổi mới trong hoạt động của Quốc hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đánh giá khái quát về đợt họp thứ nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Quốc hội đã hoàn thành rất thành công chương trình. Hình thức Quốc hội họp trực tuyến thể hiện sự đổi mới, linh hoạt trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của Kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật. Các đại biểu Quốc hội ở 63 điểm cầu và các đại biểu dự họp tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, đã tham gia đầy đủ và thảo luận sôi nổi, chất lượng. Mặc dù đây là lần đầu tiên Quốc hội họp trực tuyến, nhưng công tác phục vụ và bảo đảm điều kiện kỹ thuật cũng rất thành công.
Đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm ngân sách
Với hình thức họp trực tuyến, đại biểu tại điểm cầu của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện đăng ký phát biểu, tranh luận qua đường dây nóng. Đại biểu tại Hội trường Diên Hồng đăng ký phát biểu và tranh luận như các kỳ họp trước. Danh sách đăng ký phát biểu được kịp thời cập nhật vào hệ thống điều hành của Đoàn Chủ tịch theo thứ tự đăng ký của đại biểu và được thể hiện trên màn hình tại Hội trường Diên Hồng.
Về biểu quyết, các đại biểu Quốc hội sử dụng phần mềm cài đặt trên Ipad để biểu quyết. Kết quả biểu quyết sẽ được hiện trên màn hình ở Hội trường Diên Hồng.
Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội vẫn được duy trì và bảo đảm thực hiện thông qua các phần mềm ứng dụng. Theo đó, đại biểu Quốc hội có thể truy cập ứng dụng Quốc hội để tra cứu Văn kiện tài liệu hoặc Thư viện số để tìm kiếm và sử dụng tài liệu tham khảo của Kỳ họp thứ 9. Đại biểu Quốc hội có thể gửi câu hỏi, yêu cầu cung cấp thông tin và nhận kết quả trực tiếp trên hệ thống cung cấp thông tin trực tuyến của Thư viện Quốc hội.
Kết thúc đợt họp đầu tiên, nhiều tín hiệu tích cực đã được ghi nhận. Các đại biểu khẳng định, phiên họp diễn ra trong không khí dân chủ, nghiêm túc không khác so với hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Phương tiện phục vụ cho họp trực tuyến đã bảo đảm cho phiên họp diễn ra trôi chảy, không có vướng mắc hay trục trặc kỹ thuật.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho biết, không khí tranh luận tại các phiên thảo luận trực tuyến rất thẳng thắn, dân chủ. Chủ tọa điều hành phiên thảo luận cũng rất linh hoạt, bảo đảm lần lượt các đại biểu đăng ký tranh luận đều có cơ hội tranh luận hoặc trao đổi lại. Thậm chí có những đại biểu phát biểu, tranh luận đến hai lần.
Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, hình thức họp trực tuyến không những mang lại hiệu quả cao, mà còn có nhiều lợi thế hơn so với hình thức họp tập trung như giúp tiết kiệm về ngân sách; đại biểu ở địa phương không phải di chuyển nhiều; lãnh đạo địa phương cũng có điều kiện tham gia họp trực tuyến tại nhiều đầu cầu; nhiều cán bộ, công chức hoặc lãnh đạo các văn phòng, sở, ngành… cũng được mời tham gia họp ở các đầu cầu. “Nếu theo hình thức họp tập trung ở hội trường thì những cán bộ này không thể tham gia các phiên họp của Quốc hội được, thế nhưng họp trực tuyến thì họ có điều kiện để tham gia, đem lại rất nhiều lợi ích trong hoạt động nghị trường. Đây là những điểm mới mà hình thức họp trực tuyến mang lại”, đại biểu đánh giá.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) chỉ rõ, tất cả phát biểu, tranh luận của đại biểu đều được thực hiện thông suốt bằng công nghệ thông tin nên hiệu quả hoạt động của các đại biểu Quốc hội không bị ảnh hưởng. Hình thức họp trực tuyến không chỉ áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động, chỉ đạo, điều hành, mà còn tiết kiệm chi phí trong điều kiện ngân sách Nhà nước có hạn.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) khẳng định, không khí tranh luận không khác gì họp tập trung. “Đại biểu vẫn giơ biển tranh luận hoặc đăng ký để tranh luận. Không chỉ đại biểu hội trường Diên Hồng mà ngay cả ở địa phương, đại biểu cũng có thể tranh luận được. Việc đăng ký ở địa phương khá nhanh, thậm chí có nhiều phiên họp, đại biểu địa phương còn đăng ký trước các đại biểu ở Trung ương”, đại biểu cho biết.
Tiền đề cải tiến cách thức tổ chức kỳ họp
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Vũ Tiến Lộc phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, với sự chuẩn bị chu đáo của Văn phòng Quốc hội, việc triển khai họp bằng hình thức trực tuyến đã được thực hiện rất chuyên nghiệp, hiệu quả. Đây là mô hình thích hợp để mở rộng các hoạt động của Quốc hội cũng như các cơ quan khác trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại. Điều này đảm bảo tiết kiệm được chi phí, tăng hiệu quả, đảm bảo cho Quốc hội có thể họp bất cứ lúc nào, bất cứ bối cảnh nào, trong những trường hợp cần thiết Quốc hội phải đưa ra những quyết sách về những vấn đề hệ trọng của đất nước.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc họp trực tuyến của Quốc hội có những đặc thù khác so với họp trực tuyến của Chính phủ. Thời gian họp Quốc hội dài hơn và các yêu cầu về một số phần mềm đảm bảo cho hoạt động của nghị viện cũng khác với các cuộc họp thông thường.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, khó khăn lớn nhất là việc giữ đường truyền liên tục. Bởi từ trước đến nay chưa từng có họp trực tuyến dài ngày như vậy, thông thường chỉ họp trực tuyến từ 1 đến 2 ngày; đây là lần đầu tiên họp đến gần 10 ngày. Bên cạnh đó, phải đảm bảo an toàn an ninh mạng trong suốt thời gian Quốc hội họp trực tuyến. Ngoài ra, các phần mềm về đăng ký phát biểu, tranh luận, biểu quyết… làm sao cho ổn định, đảm bảo an toàn và không bị gián đoạn để khi tất cả đại biểu Quốc hội biểu quyết thì có kết quả hiện về hệ thống trên phòng Diên Hồng trong vòng 1 phút. Đây là phần mềm mới, viết riêng cho họp trực tuyến của Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, trong giai đoạn Việt Nam đang tiến tới Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc áp dụng công nghệ thông tin vào trong một kỳ họp Quốc hội là cần thiết. Việc tiến hành họp trực tuyến là bước đổi mới và là tiền đề để Quốc hội nghiên cứu cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp trong thời gian tới.
Chương trình Kỳ họp đợt 2, từ ngày 8-18/6/2020, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội để xem xét, thông qua nhiều vấn đề quan trọng. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị chu đáo về nội dung, điều kiện bảo đảm để hoàn thành toàn bộ chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
https://baotintuc.vn/chinh-tri/linh-hoat-doi-moi-manh-me-hoat-dong-cua-quoc-hoi-20200528194805767.htm
Ý kiến ()