Thứ Năm, 16/01/2025 08:01 (GMT +7)

Long An có nhiều giải pháp thu hút vốn FDI

Thứ 2, 27/02/2017 | 14:38:00 [GMT +7] A  A

Tỉnh Long An nằm ở vị trí kết nối giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Đồng bằng sông Cửu Long. Long An có điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ với quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp đến năm 2020 hơn 13.500 ha và kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện.

Khu công nghiệp Long Hậu (huyện Cần Giuộc) là một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư của tỉnh Long An với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 85%, chủ yếu là các dự án FDI. Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN

Hiện, tỉnh đang có quỹ đất hơn 5.000 ha sẵn sàng tiếp nhận dự án đầu tư. Xác định vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là quan trọng cho sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương, Long An đang thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đầu tư FDI tại địa phương, ưu tiên kêu gọi vào những dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh thân thiện với môi trường .

Long An đứng đầu danh sách các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long về thu hút vốn FDI và số lượng dự án; có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào tỉnh, các dự án tập trung chủ yếu trong các khu, cụm công nghiệp ở các huyện kinh tế trọng điểm như: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và thành phố Tân An.

Tổng số dự án FDI đăng ký trên địa bàn tỉnh đến nay là 772 dự án với tổng số vốn gần 6 tỷ USD. Toàn tỉnh có 459 dự án đi vào hoạt động, chiếm gần 60% tổng số dự án đăng ký, tổng vốn thực hiện đến nay khoảng 3 tỷ USD, đạt hơn 50% so với tổng vốn đăng ký. Có 6 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đứng đầu danh sách về tổng vốn đầu tư là Vương quốc Anh; Đài Loan (Trung Quốc); Nhật Bản; Singapore; Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

Các dự án đầu tư vốn FDI đang hoạt động ở tỉnh Long An cũng thu hút được 36% tổng số lao động có việc làm của tỉnh và đóng góp gần 37% thu ngân sách của tỉnh với hơn 3.000 tỷ đồng/năm.

Các dự án đầu tư FDI đã và đang tạo ra bước đột phá trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Long An, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành các trung tâm kinh tế gắn với phát triển đô thị, giải quyết việc làm, các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững; đồng thời kéo theo sự phát triển các loại hình dịch vụ và giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn xác định quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành là gắn chặt và kết hợp hài hòa giữa tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh, đồng thời bảo đảm thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật liên quan; trong thực hiện xúc tiến đầu tư luôn nhất quán trong cả 2 khâu là kêu gọi đầu tư và thúc đẩy triển khai dự án đầu tư, trong đó đặc biệt chú trọng đến hoạt động thúc đẩy triển khai đầu tư.

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Long An dành ưu tiên mời gọi đầu tư FDI với các dự án trọng điểm như: khu dân cư đô thị; hạ tầng giao thông; hạ tầng công nghiệp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, ưu tiên các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, các dự án có hàm lượng công nghệ mới, công nghệ cao… Cụ thể, tỉnh Long An kêu gọi đầu tư 16 dự án với tổng vốn đầu tư trên 7 tỷ USD .

Sản xuất giày dép xuất khẩu tại công ty TNH JIA HSIN (huyện Cần Giuộc). Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN

Thời gian tới, Long An tiếp tục đổi mới cơ chế để thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài và lựa chọn những phương án đầu tư có hiệu quả. Đảm bảo môi trường, chú trọng thu hút ở các ngành phục vụ phát triển công nghiệp bằng nhiều nguồn lực khác nhau. Rà soát, đánh giá, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, kiên quyết thu hồi các dụ án không đảm bảo tiến độ.

Để thực hiện việc này, Long An đã chủ động từ khâu quy hoạch tổng thể kinh tế- xã hội đến năm 2020. Tỉnh lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI theo định hướng “sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai”. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ; tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng: giao thông, điện, nước, xử lý rác nước thải và rác thải; chú trọng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Cùng với đó, tỉnh Long An thực hiện các nhóm giải pháp cơ bản như: có cơ chế chính sách ưu tiên, ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh gồm: Hỗ trợ về giải phóng mặt bằng; Hỗ trợ nhà đầu tư cung ứng và đào tạo lao động; Đối với các dự án có quy mô lớn (vốn đầu tư từ 1.000 tỷ đồng trở lên), sử dụng công nghệ cao, ngoài các ưu đãi theo quy định chung của chính phủ, nhà đầu tư được Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét hỗ trợ xây dựng cơ chế hỗ trợ ưu đãi đặc thù trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn phải nâng cao chất lượng thẩm tra, thẩm định cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư phải đảm bảo các yêu cầu như: Sự phù hợp của lĩnh vực đầu tư đối với hệ thống quy hoạch của địa phương, quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển ngành..; hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án phải bằng hoặc cao hơn hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, công nghệ sử dụng trong dự án phải là công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường.

Tỉnh tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư sau cấp phép, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành đối với các dự án đầu tư; tiến hành rà soát, phân loại và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án chậm triển khai hoặc không triển khai thực hiện.

Long An thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, xây dựng, thúc đẩy nhanh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đối mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ theo định hướng tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Hữu Hiếu (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu