Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 20:41 (GMT +7)
‘Mổ xẻ’ giá điện sinh hoạt
Thứ 5, 20/08/2020 | 17:08:00 [GMT +7] A A
Giá điện sinh hoạt cần đảm bảo minh bạch, công bằng, hài hòa lợi ích các bên.
Đó là nội dung được trao đổi tại Tọa đàm “Giá điện sinh hoạt: Mức nào là hợp lý” do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với GreenID tổ chức ngày 20/8 tại Hà Nội. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã thảo luận về các phương án xây dựng biểu giá điện bán lẻ (5 bậc thang và 1 giá) được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến gần đây.
Công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội vận hành cung cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN
Mức 5 bậc có hợp lý?
Theo phương án đưa ra của Bộ Công Thương gồm: Phương án 1 (5 bậc), ghép bậc 1 và bậc 2 hiện hành thành bậc 1 mới (từ 0 – 100 kWh), giá bậc 1 mới được giữ nguyên bằng bậc 1 hiện hành; giữ nguyên giá cho các hộ có mức sử dụng điện phổ biến từ 101 – 200 kWh; ghép các bậc từ 201 – 300 kWh với bậc từ 301 – 400 kWh thành bậc mới; tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: từ 401 – 700 kWh và trên 700 kWh.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc phân chia theo bậc thang để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng tiết kiệm điện là việc làm cần thiết trong điều kiện người dân ngày càng có thu nhập cao hơn. Đồng thời, có nhiều nhu cầu sử dụng điện hơn và nhiều nhiều máy móc thiết bị sử dụng điện hơn trong khi sản xuất điện không tăng trưởng kịp.
Tuy nhiên, với mức quy định trong biểu giá điện 5 bậc đưa ra từ Bộ Công Thương, chỉ có 1 bậc dưới mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt được quy định. Còn lại các bậc thang khác đều có mức giá trên mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định, thậm chí bậc thang thứ 4, 5 rất cao lên đến hơn 160% giá điện bình quân. Bộ Công Thương cần giải thích tại sao lại đưa ra các con số này. Điều này làm cho giá bán lẻ điện bình quân thực tế cao hơn giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định. Để chính xác, rất cần số liệu thống kê cụ thể về các hộ gia đình tiêu thụ điện ở từng mức sử dụng trong thời gian vừa qua.
Ông Thịnh cho rằng, việc tính giá điện bậc thang như vậy không giải quyết được vấn đề về tính công khai, minh bạch trong việc đo đếm, ghi chỉ số công tơ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khoảng chênh so với mức giá bình quân này cần được bóc tách và nộp cho Ngân sách nhà nước, minh bạch. Từ đó, Chính phủ dùng số thu đó để đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng ngành điện, đầu tư cho nghiên cứu, áp dụng các biện pháp sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng, đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới…
Theo TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật môi trường Bộ Công Thương, với phương án giá điện sinh hoạt theo lũy tiến 5 bậc được Bộ Công Thương đưa ra, về nguyên tắc phải đảm bảo việc người nghèo được hỗ trợ, hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước. Đặc biệt, tổng doanh thu điện sinh hoạt của từng bậc trong các bậc thang từ khách hàng phải cân bằng với tổng doanh thu được tính theo giá điện bình quân.
“Mức 5 bậc đưa ra vẫn chưa chứng minh được nguyên tắc cơ bản nhất là doanh thu điện sinh hoạt của từng bậc trong các bậc thang từ khách hàng phải cân bằng với tổng doanh thu được tính theo giá điện bình quân,. Do đó, nhiều khả năng sẽ có lạm thu. Ngoài ra, tính theo nhiều bậc chứa đựng các yếu tố dẫn đến bất hợp lý, khó kiểm soát các bậc, lập lờ, thiếu minh bạch”, ông Lâm cho hay.
Việc áp dụng giá 5 bậc, có cải tiến hơn lũy tiến 6 bậc, xong chưa chứng minh được sự cốt lõi là phải đảm bảo giá điện bình quân không thay đổi. Ông Lâm đề xuất phương án lũy tiến theo 3 bậc là: bậc thấp hơn giá điện bình quân (từ 0 – 100 kWh); bậc bằng giá điện bình quân (từ 100 – 400 kWh) và bậc cao hơn giá điện bình quân (từ 401 kWh trở lên).
Phương án lũy tiến 3 bậc có thể ưu tiên đảm bảo tính toán đủ chi phí trong sản xuất kinh doanh của ngành điện đảm bảo có lãi, đảm bảo kinh phí tài chính hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời minh bạch, rõ ràng, dễ tính toán…
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính:“Tôi không phản đối 3 bậc, bởi 3 bậc để tiến dần về với thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hơn. Nhưng trước mắt, Bộ Công Thương có thể cân nhắc mức 5 bậc đang được đồng tình nhiều, nhưng phải lý giải rõ, biểu giá vẫn đảm bảo giá bình quân, mà mức giá này đã được Thủ tướng Chính phủ quy định”.
Ông Thỏa cho hay, Bộ Công Thương cần công khai giá bình quân của từng biểu giá và tổng biểu giá, giá bình quân so với giá điện sinh hoạt như thế nào… để người dân có sự so sánh. Khi đã được thông qua, chấp nhận giá điện bậc thang, thì người dân phải chấp nhận việc “nhảy tiền” khi dùng nhiều. Nếu làm biểu giá điện hợp lý thì khi “nhảy bậc”, người dân sẽ không bị sốc.
Liệu có thể triển khai điện 1 giá?
Theo ông Ngô Đức Lâm, giá điện bình quân là giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện; trong đó, giá điện bình quân được tính để đảm bảo cho tất cả các đơn vị điện lực và toàn ngành điện duy trì được các chi tiêu tài chính để hoạt động bình thường và có lãi để bảo đảm tái đầu tư và phúc lợi.
Giá bán điện bình quân không cố định hàng năm, hàng quý mà được điều chỉnh phù hợp có lên, có xuống. Giá này điều chỉnh khi thay đổi các yếu tố đầu vào như: giá nhiên liệu, tỷ giá thay đổi và cơ cấu nguồn điện thay đổi…
Như vậy, giá điện bình quân là quan trọng nhất để tính doanh thu cho ngành điện, giá của các nhóm khách hàng có thể tính khác nhau nhưng cuối cùng giá điện bình quân không được thay đổi.
Qua cách tính giá điện bình quân được quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg, giá điện bình quân đã thực hiện được đầy đủ cơ chế thị trường: tính đủ các yếu tố chi phí đầu vào, có lãi, đủ điều kiện cho ngành điện hoạt động ổn định lâu dài.
“Bộ Công Thương đặt ra các phương án cho người dân lựa chọn, với 1 giá điện và biểu giá điện 5 bậc. Đặt ra như vậy, giá điện bình quân 1.864 đồng/kWh đã được thiết kế có lãi. Tuy nhiên, Bộ Công Thương lấy giá bình quân 2.890 đồng/kWh (155% và 144%) thì căn cứ nào để lựa chọn mức giá này?, các chuyên gia đặt câu hỏi.
Theo PGS. TS Nguyễn Minh Duệ, không phải ngẫu nhiên mà ngành điện đưa ra thêm phương án điện một giá để người tiêu dùng lựa chọn dưới áp lực của dư luận về hóa đơn điện tăng vọt. Điện một giá có “lý lẽ” riêng của nó khi được kỳ vọng là phương án đảm bảo công bằng nhất cho mọi đối tượng người sử dụng. Chưa kể, điện một giá có ưu điểm dễ quản lý, dễ tính toán hơn nhiều so với dùng điện bậc thang.
Tuy nhiên, cần bàn là mức một giá nào là hợp lý. Dự thảo biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt được đưa ra vừa qua lấy ý kiến có 2 mức giá điện một giá, khoảng 2.700 đồng/kWh và 2.900 đồng/kWh. Đây là mức giá quá cao và chưa đủ căn cứ, nên các chuyên gia đã kiến nghị loại bỏ mức giá này.
“Bình quân giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay là 1.864 đồng/kWh. Với giá này, ngành điện cũng đã có đủ lãi để tái đầu tư. Nếu điện đồng giá có mức cao hơn giá bán lẻ bình quân thì ngành điện sẽ tiếp tục ghi nhận lãi nhiều hơn nữa. Đây là điều chưa thỏa đáng nếu đặt trong tương quan lợi ích chung của ngành điện và người tiêu dùng. Vì vậy, cần thận trọng khi quyết định mức điện một giá”, ông Duệ nói.
Tại tọa đàm, các chuyên gia khuyến nghị, mức giá phù hợp nhất là ngang bằng với mức giá bán lẻ điện hiện nay 1.864 đồng/kWh, hoặc mức hơn 2.000 đồng/kWh chứ không thể để ở mức gần 3.000 đồng/kWh mà không có đủ thuyết phục.
Song theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, chúng ta có thể thực hiện điện một giá khi có đủ nguồn cung điện và khi nhà nước có các chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ chính sách thông qua cơ chế khác, không phải qua giá điện. Đồng thời, thực hiện điện một giá sẽ phải thay đổi các nguyên tắc trong Luật Điện lực, trong khi đó, những yếu tố này hiện nay là chưa thể thực hiện ngay…
https://baotintuc.vn/kinh-te/mo-xe-gia-dien-sinh-hoat-20200820133840902.htm
Ý kiến ()