Sáng 5/1, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị.
Báo cáo tình hình đào tạo, bồi dưỡng cao cấp lý luận, chính trị, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ lý luận của Học viên tiếp tục có bước phát triển mới và toàn diện về quy mô và hình thức đào tạo, cả về các hệ lớp và địa bàn triển khai cho các bộ, ban, ngành, địa phương trong nước với các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị, cán bộ làm công tác nghiên cứu lý luận, cán bộ đương chức và dự nguồn đã được quy hoạch.
Thời gian tới, Học viện sẽ tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị.
Học viện Đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung chương trình, rà soát, cắt bỏ những nội dung trùng lặp trong khung chương trình cao cấp lý luận chính trị; cập nhật các nội dung văn kiện Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII; bổ sung những nội dung mới, những vấn đề mang tính toàn cầu, khu vực, trong nước đang tác động đến đời sống mọi mặt của đất nước.
Nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Học viện cải tiến hình thức đào tạo theo hướng tăng cường hình thức đào tạo tập trung, đồng thời giảm tương ứng tỷ lệ đào tạo theo hình thức không tập trung.
Học viện đổi mới phương thức thi, đánh giá kết quả học tập; Nâng cao chất lượng quản lý học viên; tăng cường củng cố, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; chú trọng hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật.
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu các đề xuất kiến nghị về việc khẳng định vị thế của Học viện; cải tiến hình thức, kế hoạch và nâng cao chất lượng thực hiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tăng cường phối hợp, nâng cao trách nhiệm của các bên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Tại hội nghị, với tinh thần thẳng thắn, các đại biểu đã nêu rõ thực trạng, những hạn chế, bất cập trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị và nguyên nhân, trên cơ sở đó, đề xuất định hướng, các giải pháp nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới, xác định, lộ trình thực hiện với, quyết tâm cao, nỗ lực, hành động quyết liệt hơn nữa.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Minh Chính đã khẳng định những đóng góp quan trọng của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vào những thành tựu chung của đất nước trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và 30 năm đổi mới đất nước; tin tưởng với về dày lịch sử, truyền thống, nỗ lực và thương hiệu của mình, trong thời gian tới, Học viện tiếp tục có đóng góp có hiệu quả trong sự nghiệp đào tạo, “trồng người” của đất nước.
Ông Phạm Minh Chính thẳng thắn nêu rõ, bên cạnh những kết quả quan trọng trong việc phát triển đội ngũ, xây dựng có sở vật chất, đổi mới phương pháp dạy học, quản lý học viên, trên bình diện chung, hiện nay nổi lên vấn đề là công tác đào tạo lý luận chính trị cao cấp có những hạn chế, yếu kém, bất cập.
Chính những hạn chế, yếu kém, bất cập này dẫn đến tình trạng có một bộ phận cán bộ, đảng viên lười học lý luận, chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó xuất hiện tiêu cực trong công tác này.
Đây là vấn đề mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra. Để khắc phục tình trạng trên, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cần có đề án đánh giá tổng thể lại tình hình giảng dạy, học tập, quản lý học tập lý luận chính trị cao cấp, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị để Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Theo đó, Học viện cần chủ động phối hợp Ban Tổ chức Trung ương rà soát nhu cầu học cao cấp lý luận chính trị, đối tượng đào tạo, từ đó đề xuất chủ trương về: lựa chọn đối tượng, thời gian đào tạo; đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; quản lý đối tượng đi học; cơ chế kiểm soát đào tạo cao cấp lý luận chính trị, quản lý chất lượng phù hợp theo hướng tập trung, thống nhất nhằm chấn chỉnh, chống tiêu cực trong dạy và học cao cấp lý luận chính trị; kết hợp trang bị kiến thức và rèn luyện kỷ luật, kỷ cương đối với người học; gắn đào tạo với sử dụng, bổ nhiệm cán bộ.
Học viện cần chủ động phát hiện những vấn đề vướng mắc liên quan đến công tác dạy học thuộc chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất hướng giải quyết./.
Ý kiến ()