Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 01/01/2025 22:25 (GMT +7)
“Ngân hàng” sữa mẹ cho trẻ sơ sinh
Thứ 6, 08/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Partrick McLeod, một em bé sinh non đã được cứu sống nhờ một “ngân hàng sữa mẹ” do chính các bà mẹ đang nuôi con nhỏ đóng góp. Em chỉ là một điển hình may mắn ở Nam Phi, nơi tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong vẫn ở mức cao mặc dù có nền kinh tế phát triển bậc nhất Lục địa Đen.
Partrick chào đời vào tháng 5/2015, khi đó cậu bé chỉ dài 37 cm, nặng 1,2 kg, đồng thời tính mạng bị đặt vào tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Do sinh sớm nên cô Annerleigh Bartlett 39 tuổi – mẹ của Patrick – không có sữa cho con bú, trong khi đường ruột của cậu bé lại quá non nớt để uống sữa công thức. Vì vậy trong hai tuần đầu tiên sau chào đời, sự sống của Patrick đã được duy trì nhờ nguồn sữa mẹ lấy từ “ngân hàng” Milk Matters, có trụ sở tại thành phố Cape Town (Nam Phi).
Một nhân viên của SABR cất trữ sữa chưa tiệt trùng vào tủ đông lạnh. |
Hiện cậu bé đã 6 tháng tuổi, phát triển khỏe mạnh bình thường và cô Annerleigh đã có thể tự cho con bú. Hiểu được ý nghĩa của nguồn sữa quý giá mà mẹ con cô nhận được lúc hiểm nguy, cô đã tham gia Milk Matters như một hành động báo đáp: “Tôi đã hiến tặng 3 lít sữa đủ cho 20 em bé ăn trong vòng 24 giờ”.
Quy trình hoạt động của hệ thống gồm hàng chục “ngân hàng sữa” do Quỹ dự trữ sữa mẹ Nam Phi (SABR) điều hành rất đơn giản: Các bà mẹ tặng sữa, sữa được sàng lọc vi sinh kỹ lưỡng rồi tiệt trùng, sau đó mới chuyển đến cho những đứa trẻ thiếu thốn. Để bảo đảm an toàn, tất cả người hiến tặng đều phải làm xét nghiệm bệnh AIDS và viêm gan B. “Mỗi giọt sữa đều quý giá” chính là phương châm của SABR – mạng lưới cung cấp sữa cho 87 bệnh viện và nuôi sống hơn 2.800 trẻ sơ sinh ở nước này trong năm vừa qua.
Cứ 20 phút lại có 1 trẻ sinh non tử vong tại Nam Phi. Chính vì thế, trong một báo cáo mới đây, Bộ Y tế nước này đã đề cao vai trò của các “ngân hàng sữa” từ thiện, cũng như cho rằng hình thức này “nên được phát triển và ủng hộ như một biện pháp hiệu quả nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong của nhóm trẻ em không được bú sữa mẹ”.
Vấn đề dinh dưỡng ở Nam Phi tồi tệ hơn nhiều lần khi so sánh với các quốc gia có cùng mức thu nhập. Năm 2013, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong ở nước cộng hòa này là 32,8 ca trên 1.000 trẻ, bỏ xa Ai Cập, Algeria và Indonesia. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời có khả năng sống sót cao gấp 14 lần so với trẻ dùng sữa bột. Thế nhưng, tỷ lệ trẻ em Nam Phi được bú mẹ hoàn toàn chỉ khoảng 7,4%, một hệ quả của nạn đói nghèo, cũng như xu hướng chuộng sữa công thức.
Ngay sau khi sinh con, rất nhiều bà mẹ đã phải vội vã quay trở lại với công việc do chỗ làm của họ không có chế độ thai sản, khiến nhiều đứa trẻ bắt buộc phải dùng sữa ngoài. Ngoài ra, nhà nghiên cứu về dinh dưỡng Chantell Witten tại Đại học North West cho biết, trong thực tế, người dân Nam Phi có quan niệm rằng sữa công thức là tốt hơn với trẻ nhỏ. Thậm chí, tầng lớp nghèo khổ còn tin rằng những người giàu lắm tiền, nhiều của là do được nuôi dưỡng bằng sữa bột nên họ hy vọng con cái mình sẽ được như vậy.
Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho hay quan điểm của người dân Nam Phi về việc cho trẻ bú sữa mẹ đang dần thay đổi. Kể từ năm 2012, Chính phủ Pretoria đã cấm quảng cáo sữa bột trên các tạp chí và bảng hiệu, đồng thời khuyến khích những bà mẹ nhiễm HIV cho con bú nếu họ vẫn dùng thuốc kháng virus đều đặn.
Bà Stasha Jordan, người sáng lập SABR chia sẻ rằng mặc dù thông điệp “sữa mẹ là tốt nhất” vẫn còn một chặng đường dài để mọi người dân cùng thực hiện nhưng bà nhận thấy chương trình này đã có những dấu hiệu tích cực. Ngày càng có thêm nhiều “ngân hàng sữa” được mở ra tại Nam Phi với ý nghĩa nhân đạo tương tự như các ngân hàng máu, đều nhằm cứu lấy sinh mạng con người.
Ý kiến ()