Thứ Hai, 13/01/2025 02:21 (GMT +7)

Ngành điều Long An giải quyết bài toán thiếu nguyên liệu và nâng cao chất lượng

Thứ 6, 10/06/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Cùng với Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu Tây Ninh thì Long An là một trong các tỉnh có nhiều doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu lớn ở khu vực Nam Bộ. Tuy nhiên, chất lượng chưa đảm bảo và sự phụ thuộc vùng nguyên liệu đang trở thành nỗi lo của doanh nghiệp ngành điều – ngành hàng luôn tự hào là đứng đầu thế giới về xuất khẩu.

Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam chính thức vượt qua Ấn Độ và duy trì vị trí quốc gia xuất khẩu điều lớn nhất thế giới và hiện chiếm khoảng 50% tổng giá trị thương mại nhân điều toàn cầu. Tại Long An, hạt điều nhân cũng chính là 1 trong 6 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh trong hơn 10 năm qua. Riêng năm 2015, các doanh nghiệp trong tỉnh đã xuất khẩu trên 20.000 tấn điều. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp đã xuất khẩu gần 8.000 tấn với giá trị gần 56 triệu USD, tăng 15% về lượng và 23% về giá so với cùng kỳ.

11

Gia công hạt điều xuất khẩu. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ngành điều vẫn chưa đủ mạnh do chất lượng chưa ổn định và phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Để giải quyết nguồn nguyên liệu, trước đây, Long An quy hoạch 1.000 hecta điều tại các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa nhưng do chưa được tỉnh chú trọng đầu tư khuyến khích nên quy hoạch này đã bị xóa sổ. Do đó, các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu ở Long An phải khai thác nguyên liệu ở ngoài tỉnh và đối mặt với việc thiếu gần 50% nguồn nguyên liệu.

Để hạn chế thực trạng thiếu đoàn kết giữa cộng đồng doanh nghiệp ngành điều cũng như hạn chế tình trạng bị ép giá khi mua điều thô, các doanh nghiệp tại Long An đang tập hợp thành một nhóm mua với số lượng khoảng 100.000 tấn/năm và do một hoặc hai doanh nghiệp đại diện đứng ra đàm phán. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều lớn trong tỉnh phải thường xuyên theo dõi, khảo sát các thị trường tiêu thụ; đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm kết hợp áp dụng “sản xuất sạch hơn” và xây dựng thương hiệu riêng và đảm bảo “sạch” theo đúng chuẩn của các thị trường tiềm năng nhưng khó tính như Hoa Kỳ, EU …./.

Duy Huệ – Xuân Quốc

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu