Thứ Sáu, 24/01/2025 03:52 (GMT +7)

Ngày 11/5, không xuất hiện ca mắc COVID-19 mới, 8 bệnh nhân ra viện, 1 trở nặng

Thứ 3, 12/05/2020 | 08:32:00 [GMT +7] A  A

Ngày 11/5 là ngày thứ 25 Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Bên cạnh đó, 8 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên, trong ngày xuất hiện một trường hợp bệnh nhân trở nặng, bên cạnh bệnh nhân là phi công người Anh rất nguy kịch.

Tròn 25 ngày không có ca mắc mới

Tính đến 18 giờ ngày 11/5, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, giữ nguyên tổng số 288 trường hợp. Như vậy, nước ta đã có tròn 25 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.

Kiểm tra sức khoẻ cho người dân tại khu cách ly tập trung phòng dịch COVID-19

Theo Bộ Y tế, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 25.361 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 373; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.181; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 13.807 trường hợp.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 11/5, đã có thêm 8 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 là: BN178, BN218, BN250, BN254, BN256, BN259, BN262, BN269. Hiện tại các bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có tổng số 249 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi, chỉ còn 39 bệnh nhân đang được điều trị. Trong các ca đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 8 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2 là 11 ca.

Bệnh nhân người Anh nguy kịch, xuất hiện thêm 1 trường hợp trở nặng

Về tình hình các bệnh nhân nặng, hiện BN19 đã có tiến triển tốt, ban ngày tự thở khí phòng, chiều tối thở Oxy kính 11/p, phổi thông khí rõ. Bệnh nhân tỉnh, giao tiếp tốt, cơ lực cải thiện, không sốt.

Trong khi đó, phi công người Anh rơi vào tình trạng nguy kịch, sử dụng máy thở không còn hiệu quả. Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân này vẫn sử dụng thuốc an thần, tiếp tục thở máy, can thiệp ECMO (tim, phổi nhân tạo), lọc máu, sử dụng kháng sinh và kháng nấm, tiếp tục dẫn lưu màng phổi… Các bác sĩ điều trị cho biết, hiện cả hai phổi của bệnh nhân đều đông đặc, nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến phổi trở thành ổ vi khuẩn sinh sôi mạnh trong cơ thể.

Việc sử dụng máy thở đối với bệnh nhân 91 không còn hiệu quả, hiện phải lọc máu,

phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, việc sử dụng máy thở đối với bệnh nhân 91 không còn hiệu quả, hiện phải lọc máu, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO. Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, bệnh viện đã dùng nhiều loại thuốc tốt nhất, đặt mua từ nước ngoài về để điều trị tích cực cho nam phi công này như thuốc an thần, thuốc kháng đông… Theo Hệ thống giám sát dịch bệnh Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, ngày 10/5, bệnh nhân 91 đã được hội chẩn liên viện và các bác sĩ đánh giá khả năng bệnh nhân này phải ghép phổi; đồng thời đề xuất xem xét khả năng chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị nội khoa tích cực và đánh giá khả năng ghép phổi.

“Qua hội chẩn với Bệnh viện Việt Đức và Bộ Y tế cho thấy hiện bệnh nhân 91 chưa đủ điều kiện ghép phổi. Bệnh nhân sẽ được thực hiện các xét nghiệm và thủ tục để chuẩn bị ghép tạng khi có chỉ định”, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, thông tin thêm.

Cùng ngày, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân mắc COVID-19 được chuyển lên từ bệnh viện tỉnh Bạc Liêu trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp. Đó là bệnh nhân 278 (nữ, 50 tuổi, quốc tịch Việt Nam) được cách ly tập trung tại Ký túc xá sinh viên tỉnh Bạc Liêu. Bệnh nhân có dấu hiệu viêm phổi, suy hô hấp nên được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh đang điều trị 3 ca bệnh mới mắc COVID-19.

Hiện bệnh nhân còn ho nhiều, sốt cao 39 độ C, mạch và huyết áp ổn định, đang được thở oxy qua mũi 5 lần/phút, sử dụng kháng sinh. Bệnh nhân 278 là một trong 17 trường hợp mắc COVID-19 từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) về Việt Nam trên chuyến bay vào ngày 3/5/2020. Ngay sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được đưa về cách ly tập trung tại Ký túc xá sinh viên tỉnh Bạc Liêu và được lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 7/5, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh xác định bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2, được điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu.

Trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo hoạt động trở lại

Sáng 11/5, mầm non, tiểu học là hai bậc học cuối cùng trên cả nước cho học sinh trở lại trường sau hơn 100 ngày nghỉ vì dịch COVID-19. Các công đoạn như xịt cồn rửa tay, đo thân nhiệt, hướng dẫn học sinh lên lớp được thực hiện ngay từ cổng trường, học sinh ngồi ăn trưa được bố trí giãn cách ở 2 đầu bàn.

Cũng trong ngày 11/5, Bệnh viện Bạch Mai chính thức hoạt động trở lại khám chữa bệnh như bình thường. Để đảm bảo an toàn cao nhất cho người bệnh, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai mọi biện pháp chống dịch cần thiết, trang bị hệ thống sàng lọc không tiếp xúc, khi người bệnh đến khám sẽ được khai báo y tế (ưu tiên khai báo y tế điện tử) để sàng lọc người có triệu chứng và yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến cáo các chùa, cơ sở tự viện thực hiện nghiêm các quy định phòng,

chống dịch bệnh.

Cũng thời điểm này, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước hoạt động, sinh hoạt tôn giáo trở lại bình thường nhưng vẫn phải tiếp tục coi trọng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cụ thể: Người dân cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 khi đi lễ chùa.

Theo đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến cáo các chùa, cơ sở tự viện thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh như thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay kỹ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, thực hiện các biện pháp phun khử khuẩn tại các chùa, cơ sở tự viện khi tổ chức các sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người. Giáo hội yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện tạm thời chưa thực hiện việc đón tiếp các đoàn khách quốc tế, các đoàn Phật tử Việt kiều, đặc biệt là các Việt kiều trở về từ các nơi được coi là vùng dịch. Các chùa tại vùng biên giới phải thực hiện thường xuyên việc kiểm tra và khai báo y tế với cơ sở y tế địa phương.

Bên cạnh các sinh hoạt tôn giáo vốn có, Giáo hội khuyến khích tăng ni, Phật tử đẩy mạnh các hoạt động từ thiện xã hội như khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Giáo hội cũng đề nghị các chùa, cơ sở tự viện là di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tăng cường sinh hoạt Phật sự thúc đẩy hoạt động du lịch, góp phần phục hồi kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân.

Nhanh chóng chi trả cho các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng của COVID-19

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 Ảnh: Nam Sương/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có công điện về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo nội dung Công điện, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê đối tượng hỗ trợ, xác định chính xác đối tượng, đảm bảo không trùng lặp, cũng như xác định cụ thể thời điểm được nhận hỗ trợ, đặc biệt là đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thấp nghiệp, lao động bị ngừng việc, mất việc, hộ kinh doanh có doanh thu thuế dưới 100 triệu đồng.

Cùng với đó, Bộ LĐ-TBXH chỉ đạo thực hiện tốt công tác chi trả cho các đối tượng, đẩy mạnh việc chi trả trực tiếp qua tài khoản ngân hàng của người dân và người lao động. Các địa phương đang thực hiện chi trả qua hệ thống bưu điện tiếp tục triển khai theo quy định. Các cấp, ngành, cơ quan liên quan tại địa phương tăng cường nhân lực phục vụ, bố trí bộ phận thường trực tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để có hướng giải quyết, không để tình trạng bức xúc kéo dài.

Quản lý nguồn thu – bù đắp khoản hụt thu ngân sách do COVID-19

Trang thông tin hướng dẫn nộp thuế cá nhân và doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khiến nguồn thu ngân sách Nhà nước của Tổng cục Thuế 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 426.734 tỷ đồng, bằng 34% so với dự toán pháp lệnh, bằng 101,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Ngành thuế đã và đang thực hiện các giải pháp cấp bách về hỗ trợ người nộp thuế chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho người nộp thuế.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã rà soát và tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế ổn định sản xuất kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh.

Ngành thuế tiếp tục cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử; tổ chức bộ phận trực đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ người nộp thuế. Đặc biệt tập trung hỗ trợ kịp thời cho người nộp thuế thực hiện việc quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng.

Từ nay tới cuối năm, Tổng cục Thuế sẽ tập trung triển khai các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế; rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số hụt thu NSNN do dịch bệnh COVID-19 gây ra như: Thu từ đất đai, thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử…

Bên cạnh đó là các giải pháp: Tăng cường kiểm soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra…; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ về giá cả hàng hóa; quản lý hiệu quả hơn hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng Internet, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, qua đó chống thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích, thu hút đầu tư trên địa bàn, tạo nguồn tăng thu cho NSNN.

Các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn chưa đi vào hoạt động

Theo ông Phan Hồng Tiến, Giám đốc Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, đến thời điểm này, các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn chưa đi vào hoạt động do phía Trung Quốc chưa cho mở cửa vì tình hình dịch bệnh COVID-19.

Phương tiện chuẩn bị xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn. Ảnh: Quang Duy/TTXVN

Trước đó, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đã hội đàm với các cơ quan chức năng của Thị Bằng Tường (Trung Quốc) về việc mở lại các cửa khẩu phụ trên địa bàn. Tại buổi hội đàm, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã ghi nhận lại các ý kiến của phía Lạng Sơn (Việt Nam) để báo cáo lên cấp trên xin phép mở lại các cửa khẩu phụ trên địa bàn trong thời gian sớm nhất.

Theo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, hiện tại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn duy trì 5 cửa khẩu để xuất nhập khẩu hàng hóa.

PV/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/thoi-su/ngay-115-khong-xuat-hien-ca-mac-covid19-moi-8-benh-nhan-ra-vien-1-tro-nang-20200511205750916.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu