Tất cả chuyên mục

Nghề bó chổi xuất hiện ở xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa từ khá lâu. Hiện nay, theo thống kê trên địa bàn xã có khoảng trên 30 hộ đang sinh sống bằng nghề bó chổi, tập trung chủ yếu ở các ấp như 1A, 2, 3A, 3B.
Có dịp đến thăm tổ hợp tác kinh tế (THT) bó chổi tại ấp 2, xã Hựu Thạnh, nhìn những đôi tay thoăn thoắt thực hiện từng công đoạn của cây chổi, mới thấy sự khéo léo của những người thợ làm nghề này. THT bó chổi tại ấp 2 được thành lập từ đầu quý II năm 2020. Tổ có 5 thành viên. Đây cũng là THT bó chổi đầu tiên của xã Hựu Thạnh được thành lập. Trước khi THT được thành lập, các thành viên làm riêng lẻ từng hộ gia đình, nhưng hiện nay cùng nhau tập trung tại một điểm để hoàn thành các công đoạn.
Thăm tổ hợp tác bó chổi
Các hộ làm nghề bó chổi tại xã Hựu Thạnh chủ yếu sản xuất các loại như chổi bông cỏ và chổi từ cọng dừa. Một cây chổi muốn hoàn thành phải trải qua 5 công đoạn như buộc, bó, cán, bện và tề. Mỗi công đoạn đều có cái khó và dễ của riêng nó. Song, theo các chị làm nghề này lâu năm cho biết trong các công đoạn bó chổi, khâu “bó” được xem là quan trọng nhất, nếu không chặt tay, chổi sẽ không đẹp, không xuất bán được. Bà Huỳnh Thị Nhịn- tổ trưởng THT bó chổi chia sẻ thêm: chối muốn đẹp, muốn chắc, mỗi công đoạn đều phải có sự tỉ mần của người làm nghề nhưng nếu khâu “bó” không làm tốt, cây chổi sẽ không đạt yêu cầu, mất uy tín với bạn hàng.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu để làm chổi tại xã Hựu Thạnh đa phần được người dân nhập từ Tiền Giang, Bến Tre và Hà Nội (tùy vào loại nguyên liệu). Bà Nhịn – THT bó chổi ấp 2, xã Hựu Thạnh chia sẻ thêm: mỗi ngày đều có bạn hàng đến lấy chổi để bán và mỗi tuần bạn hàng tại Bình Dương, Đồng Nai cũng đến nhập chổi về. Một cây chổi bông cỏ hoàn thành thường được xuất bán với giá 40 ngàn đồng/cây và chổi từ cọng dừa là 20 ngàn đồng/cây. Đây là giá bán tại vựa và bỏ mối sỉ.
Đối với người gắn bó với nghề làm chổi thì đây là nghề “cực mà vui”. Mỗi ngày mỗi người có thể bó được trên dưới 10 cây chổi, thời gian làm việc cũng khá chủ động, không bó buộc, có thể bắt đầu và kết thúc sớm hoặc muộn, không sợ nắng mưa- chị Nguyễn Thanh Thảo, ấp 2, xã Hựu Thạnh chia sẻ thêm.
Bó chổi trải qua rất nhiều công đoạn
Theo những người làm nghề bó chổi lâu năm tại xã Hựu Thạnh, nghề bó chổi gắn bó với họ như một thói quen. Làm nghề này không áp lực lại có thêm thu nhập nhất định để trang trải cuộc sống. Nghề bó chổi sôi động nhất là vào dịp gần tết nguyên đán của dân tộc. Đây cũng là thời điểm mang lại nguồn lợi nhuận cao nhất trong năm đối với những người làm nghề. Bởi, lượng chổi tiêu thụ dịp giáp tết thường gấp đôi ngày thường. Nguồn thu nhập của họ vì thế cũng tăng lên rất nhiều.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên lượng chổi tiêu thụ chậm hơn cùng kỳ, chưa xuất bán hết được.
Ông Lê Công Định-Chủ tịch Hội Nông dân xã Hựu Thạnh cho biết: qua việc thành lập THT bó chổi nhận thấy tổ làm ăn có hiệu quả, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ vốn để tổ mở rộng, tăng thu nhập. Tiến tới, Hội Nông dân xã sẽ nhân rộng thêm mô hình kinh tế hợp tác Tổ bó chổi, để tạo công ăn việc làm cho tổ viên trong tổ bó chổi, chuyển giao khoa học kỹ thuật để tổ viên sản xuất chổi đạt hiệu quả tốt hơn, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Hiện nay, xã Hựu Thạnh đã và đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng nghề bó chổi truyền thống nơi đây vẫn đang giúp nhiều hộ gia đình ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nhã Phương-Kim Thanh
Ý kiến ()