Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 04/02/2025 08:54 (GMT +7)
Nghề đan giỏ ở Đức Hòa
Thứ 6, 02/03/2018 | 16:49:00 [GMT +7] A A
Từng đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoắt tạo nên những sản phẩm thủ công đẹp, chất lượng là hình ảnh dễ dàng bắt gặp ở nhiều hộ gia đình tại làng nghề truyền thống đan cần xé thuộc ấp Hòa Hiệp 1, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa.
Ấp Hòa Hiệp 1 được UBND tỉnh Long An công nhận làng nghề truyền thống đan cần xé từ năm 2013. Hiện nay, toàn ấp có 4 tổ với gần 50 hộ vẫn duy trì công việc này. Vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, đến thăm làng nghề truyền thống đan cần xé của huyện Đức Hòa đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh các cô, các chú và đôi lúc có cả các em nhỏ tuổi thực hiện các khâu đan cần xé.
Nghề đan cần xé xuất hiện tại ấp Hòa Hiệp 1 từ trước đó rất lâu. Những người cao tuổi nơi đây cũng không biết nó bắt đầu hình thành từ lúc nào, chỉ biết khi họ còn nhỏ đã thấy cha mẹ, ông bà trong nhà làm nghề này. Mỗi người thợ thạo nghề có thể đan trung bình từ 12-17 cần xé có kích cở lớn/ngày hoặc từ 20-22 cần xé có kích kích cở nhỏ. Những chiếc cần xé với đủ kích cở được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công nơi đây, được mang bán ở nhiều nơi và hiện nay không ít sản phẩm trong số đó đã được xuất khẩu sang nước ngoài. Mỗi chiếc cần xé như thế có giá từ 10 ngàn đến 60 ngàn đồng tùy vào kích cở. Đa phần các hộ đan cần xé tại ấp Hòa Hiệp 1 đều có nguồn tiêu thụ riêng. Các thương láy đến tận nơi để thu mua cần xé. Mỗi năm, các tổ đan cần xé nơi đây còn hợp đồng với các công ty tại huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) và tỉnh Bình Dương để xuất bán cần xé đi các nơi.
Công việc đan cần xé tưởng chừng đơn giản nhưng khá vất vả vì mọi khâu tạo nên 1 sản phẩm hoàn chỉnh gần như đều làm thủ công, nguồn nguyên liệu để tạo ra sản phẩm đôi khi còn khan hiếm, không cung cấp đủ cho các hộ làm nghề. Đồng thời, thu nhập từ việc đan cần xé còn khá khiêm tốn nên nhiều người trẻ tuổi đã chuyển sang làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp. Song, một số ít trong đó vẫn bám nghề, phụ gia đình đan cần xé sau mỗi lúc tan ca hoặc mỗi khi gia đình cần giao hàng gấp cho các công ty.
Hiện nay, để duy trì và phát triển được làng nghề đan cần xé có lẽ ngoài lòng yêu nghề của các người thợ thủ công còn cần sự hỗ trợ thêm về chính sách để giúp các hộ làm nghề đan cần xé có thê thu nhập, bám giữ và phát triển làng nghề; đưa những sản phẩm chất lượng đến với tay người tiêu dùng. Từ đó, tạo được thương hiệu hàng thủ công huyện Đức Hòa nói riêng và tỉnh Long An nói chung.
NHÃ PHƯƠNG-NHẬT HUY
Ý kiến ()