Thứ Bảy, 18/01/2025 08:48 (GMT +7)

Nghĩ về vị thế Việt Nam

Thứ 3, 24/01/2017 | 09:26:00 [GMT +7] A  A

Năm 2016 in đậm nét dấu ấn thành tựu đối ngoại sôi động của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.

Như chúng ta đã biết, năm 2016 in đậm nét dấu ấn thành tựu đối ngoại sôi động của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta đã có các chuyến thăm, làm việc tại một số nước, để lại ấn tượng sâu sắc với bạn bè quốc tế.

Từ ngày 14 đến ngày 28 tháng 11-2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có chuyến công tác qua “ba châu, năm nước” (gồm Cuba, Peru, Italy, Vatican và Madagascar). Về kết quả chuyến đi, các báo đã đề cập nhiều. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ xin kể lại những điều “mắt thấy tai nghe” xung quanh cách đón tiếp mà người đứng đầu một số quốc gia dành cho Chủ tịch nước ta, để thấy rằng: Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Thời điểm Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng phu nhân và Đoàn cán bộ cấp cao Việt Nam đặt chân xuống Sân bay Quốc tế Jose Marti ở Thủ đô Havana, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước Cộng hoà Cuba theo lời mời của đồng chí Raul Castro, Bí thư Thứ nhất BCH Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba cũng là lúc tại Cuba diễn ra nhiều sự kiện quan trọng (Thủ tướng Canada Justin Trudeau thăm chính thức Cuba; Quân đội Cuba tiến hành cuộc tập trận qui mô lớn mang tên gọi “Cuộc tập trận chiến lược Bastion”).

Mặc dầu vậy, Đảng, Nhà nước Cuba vẫn dành cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn cán bộ cấp cao Việt Nam sự đón tiếp hết sức nồng hậu. Đồng chí Salvador Vandes Mesa, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba ra tận chân cầu thang máy bay đón, ôm hôn Chủ tịch nước Trần Đại Quang, thể hiện tình cảm đặc biệt giữa những người đồng chí, anh em. Điều này vượt lên thông lệ ngoại giao và khiến các thành viên đoàn Việt Nam rất xúc động.

Trả lời phỏng vấn của các phóng viên ngay tại sân bay, Chủ tịch nước cho biết, đến với Cuba, ông cảm thấy ấm áp như đang được trở về chính ngôi nhà của mình.

nghi ve vi the viet nam hinh 1
Giáo hoàng Francis đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới thăm Toà thánh Vatican.

Tương tự trường hợp Cuba, dù rất bận bịu với tư cách nước chủ nhà đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16, song Nhà nước Madagascar vẫn cử Thủ tướng Olivier Mahafaly Solonandrasana ra tận Sân bay đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Tuy Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Madagascar để dự Hội nghị, không phải chuyến thăm chính thức, song Tổng thống Hery Rajaonarimampianina vẫn quyết định tổ chức lễ đón với những nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.

Tại buổi hội đàm, Tổng thống Rajaonarimampianina khẳng định, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một chuyến thăm lịch sử. Đây là lần đầu tiên Madagascar được đón người đứng đầu Nhà nước Việt Nam. Với người dân Madagascar, Việt Nam không chỉ là tấm gương trong phong trào giải phóng dân tộc mà còn là tấm gương trong phát triển kinh tế.

Trong các hoạt động bên lề Hội nghị của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Madagascar, luôn có một Bộ trưởng của phía bạn tháp tùng Chủ tịch nước ta. Khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng đoàn công tác đến đặt vòng hoa trước Tượng đài Bác Hồ trên Quảng trường mang tên Người ở Thủ đô Antananarivo, người dân Madagascar đứng chật hai bên đường đón chào Chủ tịch nước…

Cũng tại Madagascar, trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16, do rất coi trọng và đánh giá cao vai trò của Việt Nam nên Cộng đồng Pháp ngữ đã thống nhất mời Chủ tịch nước Trần Đại Quang là đại diện duy nhất đến từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phát biểu tại Lễ khai mạc.

Thăm chính thức cấp Nhà nước Cộng hoà Italy (từ ngày 21 đến 25 tháng 11), Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng phu nhân và Đoàn cấp cao Việt Nam cũng đã được phía bạn đón tiếp rất trọng thị. Tổng thống Sergio Mattarella chủ trì lễ đón với những nghi lễ trang trọng bậc nhất dành cho những vị quốc khách mà không phải lúc nào cũng được áp dụng. Tổng thống Mattarella mời Chủ tịch nước Trần Đại Quang duyệt đội danh dự đại diện cho các binh chủng, trong đó có đội vệ binh mặc trang phục cổ lộng lẫy cưỡi trên lưng đoàn ngựa chiến.

Ngoài lễ đón của Tổng thống, trước buổi hội kiến giữa Chủ tịch nước ta với Thủ tướng Italy Matteo Renzi, tại Phủ Thủ tướng Italy cũng đã diễn ra lễ đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng những nghi thức đặc biệt trọng thể với việc quân nhạc cử Quốc thiều hai nước; Thủ tướng Matteo Renzi mời Chủ tịch nước Trần Đại Quang duyệt đội danh dự.

Một nữ cán bộ Việt Nam có thâm niên công tác trong ngành Ngoại giao cho biết, chị hoàn toàn bất ngờ với tình huống trên và khẳng định, đây là một trường hợp đặc biệt, có thể nói là ngoại lệ, bởi rất hiếm khi cả Tổng thống và Thủ tướng lần lượt tổ chức lễ đón một vị quốc khách với những nghi lễ cấp cao như vậy.

Việc Cộng hòa Italy bố trí quan chức cấp cao tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Đoàn cán bộ cấp cao Việt Nam đặt vòng hoa viếng Đài Tổ quốc trên Quảng trường Venice ở Thủ đô Rome hết sức trang trọng cũng là sự kiện biểu thị mức cao nhất trong nghi thức ngoại giao nơi đây.

Đặc biệt, trong chuyến thăm Italy, Chủ tịch nước Trần Đại Quang được cả bốn nhân vật thuộc hàng “tứ trụ” của nước bạn (bao gồm Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện) tiếp đón, hội đàm, hội kiến chính là thể hiện sự trọng thị với đất nước và nhân dân Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tại Italy vừa xảy ra thảm họa động đất ở khu vực miền Trung gây thiệt hại nặng nề về người và của.

Sau khi kết thúc các cuộc hội đàm, hội kiến, họp báo… từ Tổng thống, Thủ tướng tới Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện Italy đều ân cần ra tận cửa xe ôtô tiễn Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Thậm chí, nữ Chủ tịch Hạ viện Laura Boldrini đã tiễn Chủ tịch nước ta từ phòng khách ra tận cổng trụ sở Hạ viện với quãng đường dài tới ba trăm mét.

Trong số các nhà lãnh đạo Italy tham gia tiếp đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Mattarella, Thủ tướng Renzi đều là những người từng sang thăm Việt Nam và chuyến thăm đó đều để lại trong các ông những ấn tượng hết sức đậm nét.

Theo Phạm Khải/Công an Nhân dân

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu