Ngày 7/1, thị trường chứng khoán Việt Nam có một phiên giao dịch căng thẳng trước áp lực tâm lý được cho là bị ảnh hưởng bởi biến động từ thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Trong phiên dịch sáng nay, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục phải sử dụng tới cơ chế ngừng giao dịch lần thứ 2 trong tuần này (ngày 4/1 và 7/1) sau khi chỉ số CSI 300 giảm hơn 7%.
Theo đánh giá chung từ giới chuyên gia, sự sụt giảm trên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thông tin ngành chế tạo của nền kinh tế lớn nhất châu Á này trong tháng 12 đạt mức yếu hơn so với dự kiến đồng thời tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ biến động mạnh.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đầu giờ sáng VN-Index đã trải qua “cú sốc” giảm ngay 9 điểm, sau đó giằng co và đóng cửa đợt giao dịch sáng giảm tới 6,37 điểm (1,11%), rơi xuống dưới mốc hỗ trợ 570 điểm do áp lực điều chỉnh tại hàng loạt mã trụ, lan ra toàn thị trường khiến sắc đỏ bao trùm trên cả 2 sàn.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Quang Hợp, Phó trưởng phòng phân tích, Công ty Chứng khoán SHS, diễn biến tình hình tài chính thế giới (phiên 6/1) đã xuất hiện nhiều thông tin bất lợi nên ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư ngay trước thời điểm thị trường chứng mở cửa.
Ông Hợp chỉ ra, “thông tin Triều Tiên thử thành công bom H và bất ổn tại Trung Đông do căng thẳng trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran đã khiến thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là Mỹ giảm mạnh. Chỉ số Dow Jones đã giảm về dưới 17.000 điểm lần đầu tiên sau 1 năm.
Bên cạnh đó, đồng nhân dân tệ hiện giảm giá về mức thấp nhất 5 năm do kinh tế Trung Quốc đi xuống và việc can thiệp của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trở nên hạn chế hơn sau khi đồng tiền này chính thức vào rổ tiền tệ của Quỹ tiền tệ quốc tế.”
Diễn biến thị trường, áp lực bán tháo cổ phiếu lan rộng ra khắp các nhóm ngành, trong đó nhóm khai khoáng giảm mạnh nhất hơn 4%, tiếp đến là nhóm chứng khoán giảm trên 3%, ngân hàng giảm 2%.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán MBS cho rằng, việc giá dầu thế giới giảm mạnh nhất trong vòng 12 năm trở lại đây, với mức 33,2 USD/thùng (7/1) đã kéo giá cổ phiếu ngành dầu khí lao dốc, tác động không nhỏ đến đà giảm điểm của VN-Index trong phiên.
Trên thị trường, giá giao dịch các mã PVD, PXS đã chạm sàn (giá tương ứng: 23.000 đồng/cổ phiếu, 10.500 đồng/cổ phiếu), bên cạnh đó các mã PVT, PXI, PXT, PGS, PMB, PVB… cũng chìm trong sắc đỏ.
Dự báo biến động thị trường, ông Sơn cho rằng, những nguyên nhân khác quan từ thị trường tài chính quốc tế và sự suy yếu từ nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam trong các phiên tới. Tuy nhiên nó sẽ thẩm thấu dần dần, do đó những lo ngại về sự biến động lớn trên thị trường theo ông Sơn là không có.
Đồng tình với nhận định trên, ông Hợp cho rằng, “Thanh khoản tăng vọt với giá trị giao dịch trên HoSE trong phiên sáng nay lên mốc trên 1.000 tỷ đồng, lần đầu tiên sau nhiều phiên trở lại đây. Điều này cho thấy áp lực bán tháo là rất lớn. Nếu động thái này tiếp tục duy trì, VN-Index hôm nay sẽ không giữ được mốc hỗ trợ 570 điểm và xu hướng sẽ xấu đi trong vài phiên tới.”./.
Ý kiến ()