Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 29/12/2024 06:11 (GMT +7)
Nhiều nỗ lực thúc đẩy du lịch miền Trung
Thứ 5, 17/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Nhằm phát huy những tiềm năng du lịch, góp phần phát triển du lịch miền Trung cho xứng tầm, nhiều giải pháp đã được các địa phương triển khai trong thời gian tới.
Quảng bá trên mạng
Thông tin từ Dự án “Chương trình Phát triển Năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (gọi tắt là Dự án EU – ESRT, do Liên minh châu Âu tài trợ): Dự án đang xây dựng một website mới để giúp quảng bá du lịch khu vực duyên hải miền Trung, theo hướng tiếp thị tập trung vào 3 tỉnh Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam như một điểm đến độc lập. Đây là hoạt động tiếp nối việc triển khai hướng tiếp cận du lịch có trách nhiệm tại 3 tỉnh.
Du khách đến tham quan Thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: VH.HOTEL.VN |
Trang web này cũng thể hiện kết quả nghiên cứu của Dự án EU – ESRT và phản hồi từ ngành du lịch. Phần lớn du khách tới thăm khu vực duyên hải miền Trung không chỉ lưu trú tại một tỉnh trong suốt kỳ nghỉ mà còn kết hợp thăm một hoặc hai điểm đến còn lại. Do đó, trang web sẽ quảng bá xuyên suốt các sản phẩm và dịch vụ du lịch của cả ba địa phương nêu trên. Việc này góp phần đáp ứng nhu cầu thực tế của du khách khi họ tìm hiểu và lên kế hoạch đi du lịch, giúp mở rộng nguồn thu cho các địa phương khi khuyến khích du khách đi xa và nhiều hơn.
“Trang web được xây dựng theo hướng đơn giản, dễ duy trì, đảm bảo các tiêu chuẩn của tiếp thị trực tuyến dành cho điểm đến. Dự kiến, trang web quảng bá du lịch vùng duyên hải miền Trung sẽ gồm các thông tin như “Những nơi cần ghé thăm”, “Hoạt động có thể thực hiện”, “Các món ăn không thể bỏ qua” và “Hành trình truyền cảm hứng”. Trên website này cũng sẽ bao gồm thông tin cần thiết khi đi du lịch như quy định về thị thực đối với du khách quốc tế, khí hậu, giao thông và các trung tâm thông tin du lịch mà du khách có thể tiếp cận. Ngoài ra, trang web sẽ được tích hợp công cụ tìm kiếm các cơ sở lưu trú. Dự kiến, website này sẽ đi vào hoạt động vào tháng 7/2016”, đại diện dự án cho biết.
Theo đại diện dự án, lý do chọn xây dựng trang web chung cho ba địa phương bởi Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam là những địa phương nằm nối tiếp trên trục Con đường di sản miền Trung; cùng sở hữu nhiều bãi biển đẹp và 4 Di sản Văn hóa thế giới: Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Phố cổ Hội An, Khu đền tháp. Ngoài ra, khu vực này cũng có những khu sinh thái sinh quyển, rừng quốc gia phong phú đa dạng về chủng loại động, thực vật… Trong năm 2015, ba tỉnh Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã bắt tay, kết nối mạnh mẽ, giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới để khai thác thế mạnh du lịch địa phương, cải thiện môi trường du lịch và tăng sức hút du khách. Đà Nẵng ngoài du lịch biển còn tập trung mạnh vào các dịch vụ giải trí cho du khách. Huế tiếp tục khai thác nét đẹp cung đình bằng nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trưng bày và giới thiệu sản phẩm truyền thống. Quảng Nam khai thác hai di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn, đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…
Tạo “bản sắc” từ mẫu tàu du lịch
Tiến sĩ Trần Gia Thái và các cộng sự thuộc Trường Đại học Nha Trang vừa hoàn thiện đề tài nghiên cứu “Thiết kế một số mẫu tàu du lịch mang nét văn hóa của tỉnh Khánh Hòa” theo đơn đặt hàng của tỉnh Khánh Hòa, nhằm áp dụng vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách tham quan các tour biển, đảo.
Sau hơn hai năm thực hiện, đề tài đã tiến hành đánh giá thực trạng và đặc điểm của đội tàu chở khách du lịch ở địa phương, với những hạn chế như phần lớn là tàu vỏ gỗ, được cải hoán từ tàu đánh cá, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định đối với tàu chở khách, về hình thức chưa tạo được dấu ấn đặc trưng cho du lịch biển, đảo Khánh Hòa. Qua đó, nhóm nghiên cứu đã cho ra đời các mẫu tàu du lịch đảm bảo các yêu cầu về mặt kinh tế, kỹ thuật và mang nét văn hóa đặc trưng của địa phương như nét văn hóa Champa, mang biểu tượng “Xứ trầm – Biển yến”, nét văn hóa của công trình kiến trúc cổ xưa, nét đặc trưng cho du lịch biển, đảo. Đồng thời, đề tài thiết kế bộ logo, hoa văn, biểu tượng đồng bộ, thống nhất để trang trí cho đội tàu hiện tại.
Công trình nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp tổ chức triển khai ứng dụng các mẫu tàu thiết kế để phát triển đội tàu du lịch Khánh Hòa, bằng việc áp dụng 6 mẫu tàu du lịch cao tốc có vỏ composite, vỏ gỗ và tàu bằng vật liệu tổng hợp PPC (Copolymer Polypropylene Polystone) với nhiều tính năng vượt trội, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật.
Ý kiến ()