Chủ Nhật, 26/01/2025 13:39 (GMT +7)

Những ‘viên gạch’ đầu tiên của công nghệ xe xanh

Thứ 2, 24/12/2018 | 15:05:00 [GMT +7] A  A

Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng đáng báo động, việc lựa chọn phát triển công nghệ xanh trong sản xuất xe ô tô, xe gắn máy là lựa chọn tối ưu để hạn chế sự tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, giảm lượng phát thải.

Các mẫu xe máy điện của Vinfast. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển công nghệ xe xanh thông minh, ngay từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 909/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố”. Theo đó, trong giai đoạn 2010-2013 triển khai đề án tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và giai đoạn 2013-2015 mở rộng phạm vi thực hiện đề án tại một số thành phố loại 1 và loại 2.

Nhưng thực tế tại Việt Nam, xu hướng công nghệ xe xanh chưa được đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, trong khi làn sóng nghiên cứu xe xanh đang “nổi lên” mạnh mẽ trên thế giới.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2017, Việt Nam đã sản xuất và lắp ráp gần 3,8 triệu chiếc xe máy với tỷ lệ nội địa hóa cao, nhưng tuyệt đại đa số là xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch với công nghệ sản xuất ở mức trung bình. Bên cạnh đó, năm 2017, Việt Nam nhập khẩu gần 446 triệu USD giá trị xe máy và linh kiện (năm 2020 con số tương ứng lên tới 890,6 triệu USD), trong đó có xe máy điện.

Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đang từng bước chuyển đổi, thay thế và lựa chọn công nghệ xanh trong sản xuất xe mô tô, gắn máy, góp phần chung tay giải quyết “thách thức” về môi trường.

Trong đó, Vinfast đi đầu phát triển công nghệ xanh trong sản xuất xe khi sử dụng các công nghệ hiện đại nhất từ các quốc gia có thế mạnh như Đức, Nhật Bản… giúp người dùng có thể tiếp cận với IoT (internet vạn vật) trên chính phương tiện giao thông của mình.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: Các loại xe hiện nay chủ yếu sử dụng nhiên liệu truyền thống như xăng dầu, kéo theo việc gia tăng ô nhiễm môi trường. Hiện nay, Vinfast sản xuất và đưa ra thị trường dòng xe sử dụng điện, cùng với đó là việc hợp tác với các hãng phân phối xăng dầu lớn tại Việt Nam như: Petrolimex, PVOil… để phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống trạm sạc đa dạng (trạm sạc thường, sạc nhanh, thuê pin); tích hợp trạm sạc qua đêm ở các hầm chung cư, trạm sạc tại VinMart, tạo thuận tiện cho người sử dụng xe, đồng thời góp phần giải quyết thách thức về ô nhiễm môi trường, tăng độ an toàn trong bảo vệ phương tiện, phòng chống cháy nổ…

Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ xe xanh

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Những nghiên cứu, thành tựu mới nhất của khoa học công nghệ luôn được áp dụng “ngay lập tức” trong lĩnh vực giao thông.

Thời gian gần đây, sự phát triển của hàng loạt công nghệ thông minh cũng như công nghệ về năng lượng tái tạo, công nghệ mới về lưu trữ năng lượng, trên thế giới đã hình thành và tạo ra hệ thống giao thông càng ngày càng thông minh hơn, thân thiện hơn với môi trường, giảm phát thải…

Xu thế giao thông thông minh không chỉ dừng lại ở các nước phát triển mà lan tỏa sang các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Thứ trưởng Bùi Thế Duy hy vọng, các giải pháp khoa học và công nghệ giúp giao thông Việt Nam ngày càng được cải thiện với xu hướng thông minh hơn, an toàn hơn, bảo vệ môi trường hơn.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, các chính sách về phí phát thải hoặc thuế và các giấy phép ô nhiễm, thường mang lại hiệu quả cao bởi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp gây ô nhiễm có thể lựa chọn chi trả cho việc xả thải.

Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới công nghệ phù hợp với tiêu chuẩn môi trường, khuyến khích và thúc đẩy đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, không gây tổn hại đến môi trường.

Kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia đã chỉ ra rằng, thuế và phí là những công cụ trong cơ chế thị trường, khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường, góp phần giải quyết các vấn đề lớn, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia như biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, chính sách thuế, phí cần được sử dụng đồng bộ ở các quốc gia, nhưng phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để phát triển công nghệ xe xanh, cần hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D), thúc đẩy sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường trong các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hoạt động này thường đòi hỏi nguồn kinh phí và nhân lực lớn. Có nhiều hình thức khác nhau hỗ trợ cho hoạt động R&D đã được thực hiện bởi Chính phủ các nước như hỗ trợ nghiên cứu hoặc cho vay nghiên cứu.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cũng cho biết: Hiện nay, Việt Nam đang ưu tiên hỗ trợ cho R&D với nhiều chương trình cấp quốc gia. Bên cạnh đó Chính phủ và các quỹ cũng đang tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp để thúc đẩy nghiên cứu và triển khai các vấn đề liên quan đến phát triển công nghệ xanh, góp phần giải quyết các “thách thức” về bảo vệ môi trường.

Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam

Tại hội thảo “Xu hướng và giải pháp công nghệ giao thông thông minh an toàn, kinh tế và bảo vệ môi trường”, nhiều chuyên gia đã chỉ rõ hạ tầng giao thông, thực trạng công nghệ trong ngành giao thông hiện nay. Nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong thúc đẩy phát triển công nghệ xe xanh nhằm đẩy nhanh phát triển các phương tiện giao thông thân thiện hơn với môi trường.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các phương tiện giao thông thông minh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải vào không khí. Khi sử dụng dòng xe Hybrid, người dân được hưởng chính sách ưu đãi về thuế từ 10% – 30% tùy thuộc vào lượng khí CO2 phát thải.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết: Nhiều quốc gia phát triển đã khuyến khích người dân sử dụng dòng xe Hybrid thay cho các loại xe chạy bằng nhiên liệu xăng dầu thông thường nhằm bảo vệ môi trường và tiết kiệm nhiên liệu. Tại châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á… từ lâu đã ban hành chính sách khuyến khích sử dụng xe Hybrid, theo đó người tiêu dùng sẽ được giảm thuế, được ưu đãi tín dụng khi mua xe; được giảm phí đăng ký xe, phí đường bộ, phí môi trường…

Điển hình, tại Thái Lan, xe Hybrid chỉ chịu thuế tiêu dùng nội địa mức 10% trong khi với xe chạy xăng thông thường từ 30 – 40%. Tại Anh, với việc cắt giảm CO2 từ 20 – 25%, các dòng xe Hybrid thường được hưởng 3 – 4 mức thuế thấp hơn so với các dòng xe khác. Chính phủ Malaysia đã xây dựng chính sách phát triển ô tô với mục tiêu từ năm 2025 thì 100% xe bán ra sẽ là xe sạch và tiết kiệm nhiên liệu…

Một số nước trên thế giới cũng quy định với các dòng xe tiết kiệm nhiên liệu khi đạt các tiêu chuẩn về mức phát thải và mức tiêu hao nhiên liệu theo quy định sẽ được hưởng ưu đãi như hỗ trợ thuế đầu tư, trợ cấp, tạo thuận lợi cho việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng như đánh thuế thấp hơn dòng xe dùng xăng.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: Những thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, với dân số xấp xỉ 10 triệu người, trong đó trên 90% người dân đi lại bằng xe máy, tỷ lệ sở hữu và sử dụng xe máy cao nhất thế giới.

Việc phát triển hệ thống giao thông vận tải đảm bảo không ùn tắc, an toàn, hiệu quả, thông minh, với việc sử dụng công nghệ xanh bảo vệ môi trường là giải pháp căn bản và cấp thiết.

Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, công nghiệp xe điện cần 4 công nghệ cơ bản là tích lũy điện, máy điện, máy đổi điện và kỹ thuật điều khiển. Khi ô tô điện, xe máy điện phát triển, lúc đó thị trường pin, động cơ điện và các máy đổi điện sẽ vô cùng quan trọng.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị rằng, cần có những chính sách ủng hộ các phương tiện giao thông thông minh, thân thiện môi trường. Việc phát triển xe xanh mang lại lợi ích cho cả “3 nhà”: Nhà nước, nhà doanh nghiệp và người dân.

HL (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu