Chủ Nhật, 19/01/2025 19:30 (GMT +7)

Nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam

Thứ 4, 29/03/2017 | 08:34:00 [GMT +7] A  A

Nhân kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn (4/4), chiều 28/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức họp báo về tình hình ô nhiễm bom mìn và công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.

Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha chiếm 18,82% tổng diện tích của cả nước.

Số bom mìn, vậy liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40 nghìn người chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em.

Một số tỉnh miền Trung, gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó, 10.540 người chết, 12.260 người bị thương.

Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Công binh, riêng số bom, đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng hơn 15,3 triệu tấn (trong đó có hơn 7,8 triệu tấn thả từ máy bay và 7,5 triệu tấn sử dụng trên mặt đất), tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom đạn đã sử dụng (các tài liệu nước ngoài là 10%).

Tất cả các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm, có thể gây nổ khi tác động phải trong quá trình lao động sản xuất, sinh hoạt hoặc có thể tự nổ do những nguyên nhân về cơ học, lý học hay hóa học.

Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng và Nhà nước đã xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách và cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Đặc biệt, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, phần nào đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng.

Về công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Tô Đức cho biết: nạn nhân bom mìn được xác định là nhóm người khuyết tật bị tai nạn do bom mìn. Vì vậy, các chính sách đối với nạn nhân bom mìn được lồng ghép trong các chính sách đối với người khuyết tật.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm đến việc triển khai cơ chế chính sách cho nạn nhân bom mìn, điển hình như: Luật người khuyết tật; Nghị định số136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Quyết định 1019/QĐ-TTg phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020…

Theo đó, nạn nhân bom mìn là đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ mai táng phí, hỗ trợ phục hồi chức năng… Những trường hợp không được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng, gia đình, sẽ được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có quy định cụ thể, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai trợ giúp, tổ chức dạy nghề gắn với tạo việc làm, xây dựng mô hình sinh kế cho nạn nhân bom mìn; chú trọng phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ, trong đó, có mạng lưới xã hội để cung cấp trị liệu, chuyển tuyến dịch vụ, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thúc đẩy các mô hình giáo dục chuyên biệt cho nạn nhân bom mìn.

Theo thống kê, cả nước hiện có 40 trung tâm công tác xã hội và 400 cơ sở bảo trợ xã hội phục hồi chức năng trong và ngoài công lập.

Chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong việc trợ giúp nạn nhân bom mình, ông Tô Đức cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với nạn nhân bom mìn, người khuyết tật nặng; phát triển các dịch vụ hỗ trợ và trung tâm công tác xã hội, trong đó có số điện thoại hotline để nạn nhân bom mìn được kết nối khi cần thiết và được hỗ trợ kịp thời.

Đồng thời, Nhà nước cần tiếp tục phát triển hệ thống bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng; hỗ trợ các địa phương xây dựng các mô hình sinh kế, học nghề, tạo việc làm…

Theo kế hoạch, Lễ kỷ niệm ngày Thế giới phòng chống bom mìn do Trung ương Đoàn phối hợp với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức sẽ diễn ra sáng 4/4. Ngoài ra, chương trình giao lưu “Hành trình vì ngày mai tươi sáng” do Hội hỗ trợ nạn nhân bom mìn Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra tối 4/4, tại Hà Nội.

Phúc Hằng-TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu