Thứ Sáu, 04/07/2025 16:47 (GMT +7)

Nơi con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp

Thứ 6, 12/02/2021 | 08:37:00 [GMT +7] A  A

Trâu – con vật gắn liền với đời sống người nông dân Việt Nam qua bao thế hệ. Tại Long An, quá trình công nghiệp hóa khiến hình ảnh về con trâu cũng thưa dần nhưng có một nơi mà con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp của nhiều hộ gia đình, giúp họ vươn lên thoát nghèo, thậm chí trở thành triệu phú. Nơi đó không đâu khác chính là vùng biên Đức Huệ.

Ở Đức Huệ con trâu hiện vẫn là đầu cơ nghiệp của nhiều hộ nông dân

Mỹ Quý Tây là một trong những xã có số trâu nhiều nhất huyện

Huyện Đức Huệ có hơn 3.500 con trâu. Trong đó, xã biên giới Mỹ Quý Tây chiếm đến 50% với khoảng 1.700 con trâu lớn nhỏ. ‘Mát tay’ nhất trong nghề nuôi trâu của vùng chính là ông Tô Văn Hợp. Từ buổi đầu cưới vợ ra riêng bằng 2 bàn tay trắng, không ruộng đất, không vốn liếng nhưng giờ đây ông có trong tay khối tài sản gồm 4 hecta đất, 16 con trâu, trị giá hơn 4,5 tỷ đồng. Tất cả là nhờ chăn nuôi trâu mà ra.

Sau khi được chăn thả trên đồng cỏ, trâu được nhai rơm khô bổ sung khi về nhà

Ông Tô Văn Hợp chia sẻ về nghề nuôi trâu:”Cái nghề gì cũng vậy nếu mà chí thú làm ăn thì sẽ thành công. Nuôi trâu cũng vậy, nếu chịu khó, biết yêu thương nó thì nuôi không có khó. Trâu thù là loài dài ngày nên thu nhập nó có vẻ chậm, nhưng chậm mà chắc. Như bản thân tôi đây, chính từ nuôi trâu mới có tích lũy rồi mua ruộng, mua đất, cất nhà. Kinh nghiệm của tôi là muốn nuôi trâu thành công thì phải có đồng cỏ, thứ hai là kỹ thuật thú y và chăm sóc kỹ lưỡng”.

Hầu hết trâu hiện nay ở Đức Huệ là giống trâu địa phương

Không riêng gì ông Hợp mà số người vươn lên khá giả nhờ chăn nuôi trâu ở Mỹ Quý Tây có rất nhiều. Như ông Huỳnh Văn Luyến, nhờ chăn nuôi trâu mà gia đình thoát nghèo, xây nhà tường và có của để dành. Hiện chuồng trâu của ông có 12 con. Mỗi năm ông Luyến xuất bán khoảng 5 con trâu thịt, với giá trung bình từ 17-25 triệu đồng/con, giúp ông thu lợi hơn 110 triệu đồng.

Cũng như ông Hợp, ông Luyến cho biết: “Trước đây tôi thuộc diện hộ nghèo đó. Đi bộ đội về cũng thất nghiệp, rồi nuôi vịt nó lỗ thêm một trận nữa. Tôi mới chuyển qua nuôi trâu. Ban đầu dành dụm chỉ được một con thôi, rồi nhà nước cho vay mua thêm một con nữa. Từ đó nó nẩy nở mỗi năm có thêm vài con nghé.Tới nay thì nuôi trâu trở thành nguồn thu nhập chính của tôi rồi”.

Sau gần một ngày đi ăn trên đồng cỏ,đàn trâu trở về chuồng

Hình ảnh đàn trâu trở về đã trở nên quen thuộc ở làng quê biên giới huyện Đức Huệ

Cuối ngày, trâu di chuyển thành đàn, bầy trước nối tiếp bầy sau đi kín cả đường biên để về chuồng sau 1 ngày chăn thả trên đồng cỏ. Chiều vùng biên vì thế cũng nhộn nhịp hơn. Cao điểm, huyện biên giới Đức Huệ có đến hơn 7.000 con trâu. Tuy nhiên, hiện nay đàn trâu đã giảm sút mất phân nửa. Nguyên nhân chủ yếu là diện tích đồng cỏ ngày càng bị thu hẹp. Bởi thế mà sau một ngày thả trâu ra đồng, chiều về nông dân phải cho trâu ăn dậm thêm rơm. Một vướng mắc nữa cho nghề nuôi trâu ở vùng biên này là hiện hầu hết đàn trâu đang nuôi là trâu cỏ, loại trâu vốn nhỏ con, nhẹ cân, lâu lớn… phải mất 16-22 tháng thả nuôi mới có thể xuất bán trâu thịt.

Bầy trước nối tiếp bầy sau đi kín cả đường biên để về chuồng sau 1 ngày chăn thả trên đồng cỏ

Ông Nguyễn Bạch Đằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ băn khoăn về những cái khó của người nuôi trâu: “Ở đây nhiều hộ nuôi trâu trở thành cái nghề chính của họ luôn. Chúng tôi mong muốn là con trâu có cái đầu ra ổn định,vì hiện nay người dân bán cho lái trôi nổi thôi,nên giá bấp bênh lắm”

Người dân đang muốn cải tạo giống trâu địa phương để cho năng suất cao hơn

Hiện, ngành nông nghiệp Đức Huệ đang sử dụng giống trâu Murrah có nguồn gốc từ Ấn Độ để lai tạo, nhân giống; đồng thời, hướng người dân áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo và chuyển sang nuôi trâu bán chăn thả, bổ sung thức ăn tinh nhằm nâng cao tầm vóc con giống, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế đàn trâu địa phương, để chăn nuôi trâu tiếp tục là ‘đầu cơ nghiệp’ của người dân vùng biên này./.

Duy Huệ – Võ Huy

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu