Thứ Hai, 06/01/2025 19:55 (GMT +7)

Nỗi lo hàng ngoại lấn át hàng nội

Thứ 6, 13/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ hội cho hàng ngoại xâm nhập thị trường lớn hơn thì sức ép cạnh tranh đối với hàng nội cũng lớn hơn. Ngay cả các doanh nghiệp (DN) đã khẳng định được uy tín thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao cũng phải đối mặt với nỗi lo hàng ngoại lấn át hàng nội.

Ông Phạm Hồng Phú, Tổng Giám Đốc công ty cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina) cho biết, khi gia nhập TPP thì DN săm lốp Việt Nam nói chung và Casumina nói riêng sẽ có thêm nhiều triển vọng xuất khẩu sang các nước, đặc biệt là thị trường Mỹ. Chính vì vậy, Casumina đang tận dụng cơ hội này tìm kiếm sản phẩm phù hợp để có thể xuất khẩu.

Công ty cổ phần Kiềm Nghĩa đã có sự chuẩn bị rất sớm để đón đầu hội nhập.

Tuy nhiên, các DN săm lốp Việt Nam cũng sẽ gặp không ít thách thức khi thị trường ngành săm lốp Việt Nam có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh đến từ những thương hiệu ngoại. Hiện nay, một số thương hiệu săm lốp hàng đầu thế giới như Kumho (Hàn Quốc) và Bridgestone (Nhật) đã đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Bước đầu, sản phẩm của các nhà máy này đã được xuất khẩu để phục vụ cho thị trường toàn cầu. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ chủ yếu ở mảng săm lốp xe đạp. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ của phân khúc sản phẩm này gần như bão hòa và khó tiếp tục tăng trưởng do xe máy ngày càng thay thế xe đạp. Vì vậy, các thương hiệu nước ngoài như Kumho và Bridgestone hoàn toàn có thể dễ dàng xâm nhập thị trường Việt Nam.

Không chỉ trong lĩnh vực cao su, đại diện Công ty cổ phần Kiềm Nghĩa cũng lo ngại thách thức khi Việt Nam gia nhập TPP và cộng đồng kinh tế Asean do người Việt tâm lí chuộng thương hiệu ngoại. Thị phần của DN trong nước có thể bị thu hẹp khi có nhiều sản phẩm cùng loại đến từ nước ngoài có chất lượng và giá thành tương đương tham gia thị trường nội địa.
Với thực phẩm tươi sống Vissan, làn sóng thực phẩm đông lạnh sẽ ồ ạt nhập vào Việt Nam sẽ khiến ngành chăn nuôi của Việt Nam bị ảnh hưởng, đại diện Vissan đánh giá.
Để cạnh tranh với thương hiệu ngoại, nhiều DN đã chọn giải pháp đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể, để bắt kịp với quá trình hội nhập sắp tới, năm 2014 Kiềm Nghĩa đã bắt đầu đầu tư nhà máy mới tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung với tổng số vốn đầu tư là 198 tỷ đồng. Đây là nhà máy sản xuất sản phẩm cơ khí dân dụng và những dụng cụ chăm sóc cá nhân với sản lượng trung bình 850 tấn sản phẩm/năm trên diện tích 5 ha. Đại diện Kiềm Nghĩa cho biết, các sản phẩm làm ra sẽ được đóng gói tiệt trùng theo chuẩn y khoa để đảm bảo chất lượng và vệ sinh khi đến tay khách hàng, đáp ứng chuẩn hóa chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Mặc dù thương hiệu Vissan đã có tiếng ở thị trường trong nước nhưng Tổng công ty Thương mại Sài Gòn cũng tiếp tục chú trọng đầu tư xây dựng mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tổng công ty đã đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thực phẩm Vissan tại khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh với tổng diện tích 5.000m2, có công suất thiết kế 20.000 tấn thực phẩm chế biến/năm. Việc đưa vào hoạt động nhà máy chế biến này sẽ giúp công ty Vissan chủ động hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chế biến thực phẩm theo khẩu vị riêng vùng miền, đồng thời tiết giảm chi phí vận chuyển… để nâng cao sức cạnh tranh.
Các DN cũng mong muốn Nhà nước cần có cơ chế để bảo vệ sản xuất trong nước nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng. Với ngành sắm lốp, ông Phạm Hồng Phú lo ngại là các DN nhập khẩu thường khai thấp giá nhập khẩu (chỉ bằng 25% giá thực) để trốn thuế nên giá lốp nhập khẩu có thể rẻ hơn giá lốp sản xuất trong nước. “Nhà nước cần có cơ chế để bảo vệ DN sản xuất trong nước trước hiện tượng gian lận thương mại như gian lận thuế, gian lậ xuất xứ” , ông Phú kiến nghị.
Bài và ảnh: Hải Yên- TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu