Thứ Năm, 16/01/2025 07:17 (GMT +7)

Nông dân Thanh Hà lo mất mùa vải thiều

Thứ 7, 18/02/2017 | 15:22:00 [GMT +7] A  A

Tại huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), những ngày này, người trồng vải thiều đang thấp thỏm nỗi lo mất mùa.

Trong khi tỷ lệ ra hoa ở những giống vải sớm (tàu lai, u hồng, u thâm) đạt cao thì giống vải thiều đặc sản của địa phương gần như không ra hoa, dự báo một vụ vải kém hơn so với những năm trước.

Tỷ lệ ra hoa khó đạt 10%

Gia đình bà Nguyễn Thị Nụ (thôn Hố Giải, xã Hoàng Hoa Thám, Thị xã Chí Linh) có 1 ha sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Biến đổi khí hậu đã tác động ngày càng rõ rệt vào sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Hải Dương. Vụ vải năm nay, hàng nghìn hecta vải thiều không thể trổ hoa vì mùa đông không lạnh.

Nhìn những gốc vải thiều lá xanh um, không hề có biểu hiện nhú hoa, ông Cao Văn Nên (thôn 3, xã Thanh Xá) thở dài: “Tôi trồng vải đã trên dưới 20 năm rồi mà chưa thấy năm nào thời tiết lại khắc nghiệt với cây vải như năm nay. Vải thiều thì phải trời rét mới có hoa”.

“Trong khi đó, từ đầu mùa đông đến giờ, trời cứ ấm như thế này, không có rét. Cây thì vẫn đẹp, vẫn tốt, chúng tôi cũng chăm bón theo đúng quy trình nhưng vải vẫn không ra hoa. Giờ cũng không có biện pháp nào can thiệp được”.

Gia đình ông Nên có hơn 1 mẫu vải thiều, đến thời điểm này, ông đã không còn hy vọng có thu hoạch. Ông Nên cũng nhận định, cứ kiểu thời tiết hiện nay, diện tích vải thiều của cả xã Thanh Xá nếu may thì chỉ ra hoa được khoảng 10%.

Bà Nguyễn Thị Tần (Xóm 3, xã Thanh Xá) cũng trong nỗi ngao ngán chung khi vườn vải thiều trên 3 sào rưỡi của nhà mình đến cuối tháng giêng rồi mà chỉ toàn lá. Bà Tần buồn bã: “Năm ngoái được mùa nhưng năm nay thời tiết ấm quá, vải muộn không ra hoa được. Có ra cũng chỉ ra lộc thôi. Chúng tôi cũng khoanh gốc, trừ lộc đủ các kiểu mà không được thì cũng đành phải chịu. Giờ không biết làm cách nào. Người dân cả năm chăm bón mất bao nhiêu công, còn lân đạm, giờ không được thu thì buồn lắm”.

Không riêng xã Thanh Xá, khoảng 30 ha vải thiều tại xã Thanh Bính cũng chung tình trạng. Gia đình bà Lê Thị Hạnh (thôn Hạ Vĩnh, xã Thanh Bính) có gần 2 mẫu trồng vải, trong đó có khoảng gần 1 mẫu là vải thiều. Mùa vải năm nay, bà Hạnh cho biết, gia đình vẫn áp dụng cách thâm canh như mọi năm nhưng thời tiết khắc nghiệt nên chỉ có vải sớm có hoa, còn vải muộn là vải thiều thì mất mùa hoa.

Ông Nguyễn Văn Đệnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bính cho biết: “Cây vải thì cần có khoảng từ 15-20 ngày có nhiệt độ xuống 15 độ C thì thuận tiện cho việc phân hóa mầm hoa nhưng năm nay nguyên mùa đông không có ngày rét đậm, không có mưa nên cây trồng sinh trưởng, phát triển khó khăn. Trà vải thiều thì không phân hóa mầm hoa được. Tỷ lệ vải thiều ra hoa rất ít, hiện nay chỉ vài ba phần trăm”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thanh Hà, toàn huyện có khoảng 4.000 ha vải, trong đó chỉ có trên 1.000 ha là các giống vải sớm như u hồng, u thâm, tàu lai, còn lại là vải muộn mà người dân vẫn gọi là vải thiều. Với kiểu thời tiết như hiện nay, theo nhận định của ngành nông nghiệp địa phương, chưa chắc diện tích vải thiều ra hoa đã đạt nổi 10%, khả năng cao vải thiều mất mùa.

Trông chờ thời tiết

Vải thiều Thanh Hà là loại quả đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Trong nỗi lo mất mùa vải thiều, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà cho biết, chỉ còn hy vọng, trông chờ vào thời tiết. Nếu sắp tới có khoảng 10 ngày liên tục nền nhiệt độ trung bình dưới 15 độ C thì vải thiều vẫn còn khả năng ra hoa đầu lộc. Tuy vậy, nếu có hoa thì cũng sẽ khó chăm sóc và chất lượng quả vải vẫn kém.

Bên cạnh đó, Thanh Hà còn có niềm an ủi khi hơn 1.000 ha vải sớm đang ra hoa rất đẹp, tỷ lệ ra hoa trên diện tích vải sớm khoảng trên 90%, cao hơn vụ vải năm 2016. Tuy thế, ở thời điểm này, mặc dù tỷ lệ hoa ở vải sớm đạt cao, nông dân vẫn còn phấp phỏng nhiều nỗi lo. Bởi, trời ấm lại là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát triển nhiều hơn.

Những năm gần đây, xã Thanh Bính luôn duy trì 250 ha vải sớm. Vụ vải hàng năm cho thu khoảng 50 tỷ đồng, mỗi hộ có thu nhập bình quân từ 45-50 triệu đồng.

Trước những thách thức của thời tiết ảnh hưởng đến mùa vải năm nay, ông Lê Sỹ Tín, Chủ tịch UBND xã Thanh Bính cho biết: “Xã đã thường xuyên hướng dẫn bà con tuân thủ đúng quy trình nghiêm ngặt, từ khâu chăm bón đến lúc thu hoạch để quả vải đủ tiêu chuẩn thị trường khó tính chấp nhận. Năm 2016, chúng tôi có 20 ha vải đủ tiêu chuẩn xuất đi Mỹ và các nước EU, Nhật Bản. Chúng tôi mong là người dân sẽ quen cách sản xuất vải theo hướng sạch như thế, để chất lượng quả vải ngày càng nâng cao”.

Ngành nông nghiệp huyện Thanh Hà khuyến cáo bà con nông dân với cây vải sớm, cần bón thúc hoa, tưới dưỡng, phun phân bón qua lá, chất điều tiết sinh trưởng để tăng tỷ lệ đậu quả, chủ động phun phong trừ sâu bệnh, dịch hại, đặc biệt là bệnh sương mai hại hoa. Riêng với những cây vải vừa ra hoa và vừa ra lộc, cần ngắt bỏ lộc.

Với những trà vải muộn (vải thiều), ở những cành đã có hoa thì cần tập trung chăm sóc, tưới dưỡng, phòng trừ sâu bệnh hại và ngắt bỏ lộc để hoa phát triển, còn ở những cây chưa có biểu hiện ra hoa hay ra lộc thì cần tiếp tục theo dõi để chủ động các biện pháp chăm sóc và bảo vệ cây vải phù hợp, kịp thời.

Mạnh Minh (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu