Tất cả chuyên mục

Tiến sĩ (TS) Buôn Krông Tuyết Nhung sinh ra và lớn lên tại xã Buôn Êa Bông, huyện Krông Ana (Đắk Lắk), trong gia đình có 12 người con. Là người con của đồng bào Ê Đê, bởi vậy những lời ca, tiếng hát, lễ hội truyền thống và văn hóa của dân tộc đã ngấm vào máu thịt, thôi thúc chị phải làm được điều gì đó có ích cho cộng đồng mình.
![]() TS Buôn Krông Tuyết Nhung trong một buổi tọa đàm khoa học ở Tây Nguyên. |
Đứng trước thực trạng văn hóa dân tộc đang dần mai một, nhiều năm trở lại đây, TS Tuyết Nhung đã dày công nghiên cứu nhiều đề tài khoa học về văn hóa, lễ hội, ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên như: Ê Đê, M’nông, Jrai, Bana… Nhiều công trình khoa học do chị nghiên cứu và tham gia cùng với các đồng nghiệp đã được công bố như: “Vai trò của một số nhóm xã hội các dân tộc thiểu số tại chỗ trong phát triển bền vững Tây Nguyên”; “Văn hóa mẫu hệ trong sử thi Ê Đê”; “Văn hóa ẩm thực Ê Đê”; “Sử thi Y’Khing Jú – H’Bia Ju Yâo”; “Sử thi Ê Đê”… Các công trình nghiên cứu khoa học của chị và cộng sự nhận được sự đánh giá tích cực từ giới chuyên môn, giúp TS Tuyết Nhung có thêm động lực nghiên cứu và mở rộng các đề tài khoa học liên quan đến văn hóa Tây Nguyên. Chị cùng chồng là TS Văn Ngọc Sáng (ĐH Tây Nguyên) bảo vệ thành công nhiều công trình nghiên cứu Số hóa điện tử một số từ điển như: Jrai – Việt, Việt – Jrai; Việt – Stiêng, Stiêng – Việt… đã được ứng dụng rất hiệu quả trong công tác nghiên cứu của các sinh viên, nghiên cứu sinh. Những cống hiến của TS Tuyết Nhung đã góp phần tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian, vốn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
![]() TS Buôn Krông Tuyết Nhung trong giờ lên lớp. |
TS Tuyết Nhung cho biết: “Điều thôi thúc tôi say mê nghiên cứu về văn hóa các dân tộc trước tiên là để phục vụ cho công tác giảng dạy. Trong quá trình giảng dạy cho các sinh viên, tôi luôn trăn trở bởi nhận thức của các em về văn hóa dân tộc chưa đầy đủ, đôi khi còn có những suy nghĩ sai lệch… Chính điều này đã khiến tôi suy nghĩ phải làm thế nào để thế hệ trẻ hiểu rằng, yếu tố con người và bản sắc văn hóa là quan trọng nhất của một dân tộc. Do đó, trong quá trình tiếp cận các nền văn hóa khác thì chúng ta cần phải giữ cái cốt lõi, phong tục tập quán của mình, đặc biệt là lời ăn tiếng nói, trang phục… những điều làm nên bản sắc của một dân tộc”.
Ý kiến ()