Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 04:58 (GMT +7)
Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017
Thứ 6, 04/08/2017 | 09:11:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Các Bộ, ngành, địa phương phân tích những hạn chế, yếu kém để tìm cách khắc phục, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017.
Hôm 3/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng qua.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, các Bộ, ngành, địa phương phải phân tích những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để tìm cách khắc phục, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế nước ta tiếp tục khởi sắc, các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bảo đảm an sinh xã hội.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 2,52% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng qua, chỉ số CPI tăng 3,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội (dưới 4%).
Thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng, thị trường chứng khoán diễn biến phù hợp với định hướng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Thị trường ngoại hối tương đối ổn định, thanh khoản được đảm bảo. Tín dụng cho nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, tính chung 7 tháng ước đạt 8,92% so với cuối năm 2016, cao hơn so với các năm gần đây, mặt bằng lãi suất ổn định và giảm nhẹ đối với các lĩnh vực ưu tiên tạo điều kiện đáp ứng tốt nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng được tiến độ dự toán đề ra. Tính đến hết tháng 7, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt hơn 666.000 tỷ đồng, bằng 55% dự toán năm, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng chi cân đối NSNN ước đạt 695.200 tỷ đồng, bằng khoảng 50% dự toán năm, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đăng ký kinh doanh vẫn diễn ra sôi động. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công và các đối tượng chính sách được đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh thực hiện, nhất là tháng 7 là dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ…
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nhận định vẫn còn một số tồn tại, thách thức cần tiếp tục quan tâm giải quyết như: nguy cơ dịch bệnh trong nông nghiệp vẫn còn; giá cả nông sản trong nước chưa phục hồi hoàn toàn; nhập siêu đã cải thiện nhưng vẫn còn cao so với mục tiêu đề ra; giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là vốn FDI, ODA và vay ưu đãi còn thấp so với yêu cầu; tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết; hậu quả của thiên tai, bão, lụt ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.
Liên quan đến vấn đề cá tra xuất khẩu đang bị kiểm soát chặt chẽ, chịu nhiều rào cản thương mại và cạnh tranh không lành mạnh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, đã cử 3 đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sang đàm phán và trao đổi, nhưng đã chính thức thông báo kiểm soát từ tháng 8.
“62 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam hết sức nghiêm túc, kiểm tra nguồn hàng ngay từ đầu, tổ chức gọn lại đầu mối sản xuất nhưng đến giờ phút này các biện pháp này tỏ ra không hiệu quả. Chính vì vậy hiện nay các doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuẩn bị các nội dung đề nghị Bộ Công thương chủ trì ngoài các biện pháp ngoại giao ra thì cũng phải đấu tranh”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành địa phương cần tiếp tục đề cao trách nhiệm, bám sát tình hình, chủ động, quyết liệt hành động; rà soát, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ và các giải pháp khác trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh phải bám sát công việc không để tuột tay mục tiêu, chỉ tiêu đã phân công giao nhiệm vụ. Khả năng thực hiện công việc của từng cán bộ lãnh đạo rất quan trọng để cùng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tháng 8 và từ nay đến cuối năm”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ: Các cơ quan đơn vị phải công khai minh bạch, xử lý mọi vướng mắc, không được nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, tập trung triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hơn, đồng bộ hơn ở các cấp, các ngành tạo niềm tin cho doanh nghiệp, trên tinh thần là triệt để cải cách thủ tục hành chính.
“Môi trường đầu tư còn nhiều rào cản, chính vì thế phải tập trung tháo gỡ mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn ở mọi cấp mọi ngành tạo niềm tin cho người dân doanh nghiệp. Thái độ, trách nhiệm của cán bộ công chức thực thi công vụ phải được liên hệ với từng đơn vị trong từng cơ quan nhưng còn nhiều bất cập. Hệ thống hành chính phải đi đầu làm gương để tinh thần phục vụ nhân dân phục vụ cho việc phát triển được mạnh mẽ hơn liên tục hơn và kịp thời hơn”, Thủ tướng mong muốn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư cập nhật lại mô hình tăng trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có đối sách với từng ngành từng lĩnh vực. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đưa dư nợ tín dụng cao hơn so với cùng kỳ, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển.
“Chúng ta không phải chạy theo số lượng, nhưng nếu không hoàn thành tốt ảnh hưởng rất nhiều đến các chỉ tiêu của Chính phủ trong đó có chỉ tiêu nợ công. Chúng ta phải thực hiện nghiêm cơ chế chính sách pháp luật chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong đó việc tổ chức thực hiện là vấn đề cốt lõi cần tập trung để có biện pháp mạnh hơn”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành địa phương đẩy mạnh việc tháo gỡ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp với thực tế, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tiếp tục tập trung sửa đổi rà soát các vấn đề thuế, phí lệ phí.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng dành thời gian thảo luận và cho ý kiến về một số Dự án Luật, Nghị định của Chính phủ như Luật an ninh mạng, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao, nghe Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tóm tắt về Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; và Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày báo cáo tóm tắt về các giải pháp giảm mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp./.
Ý kiến ()