Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 06/02/2025 06:08 (GMT +7)
Phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại Đồng Tháp, Kiên Giang
Thứ 7, 25/05/2019 | 09:46:00 [GMT +7] A A
Chiều 24/5, UBND tỉnh Đồng Tháp xác nhận bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp. Đã có 4 hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh, với tổng đàn lợn là 187 con; trong đó có 117 con lợn rừng và 70 con lợn nhà.
Cuộc họp khẩn để thông báo về dịch bệnh lợn châu Phi do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Nguyễn Văn Dương chủ trì vào chiều 24/5
Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngày 21/5, lực lượng chức năng đã phát hiện có trường hợp lợn chết tại ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng. Qua xét nghiệm cho kết quả dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy ngay. Đồng thời, vận động tiêu hủy những lợn nuôi của các lân cận để tránh lây lan. Lực lượng thú y đã tiến hành tiêu độc khử trùng xung quanh và đóng hai chốt kiểm dịch để hạn chế vận chuyển động vật lưu thông từ vùng dịch ra ngoài và ngược lại.
Theo ông Hiền, hiện tại chưa xác định được nguyên nhân gây ra bệnh dịch tại ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ. Tuy nhiên, do tính chất bệnh có khả năng lây lan và phát tán bệnh rất nhanh, cho nên tất cả các địa phương trên toàn tỉnh cần giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời. Khi người dân phát hiện lợn bệnh không nên giấu dịch, giết mổ hay “bán tháo, bán chạy”, phải báo ngay với các cơ quan thú y để chẩn đoán, giám sát và lấy mẫu kịp thời để có hướng xử lý nhanh chóng; trong trường hợp tiêu thụ sản phẩm thịt lợn cần có nguồn gốc, có dấu kiểm dịch để đảm bảo an toàn.
Chiều 24/5, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đã yêu cầu cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh cùng vào cuộc để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh; đồng thời ban hành công điện khẩn về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và cúm gia cầm.
Đồng Tháp hiện có tổng đàn lợn hơn 190.000 con, tập trung nhiều ở huyện Châu Thành, Lai Vung, thành phố Sa Đéc… Đến ngày 23/5, tỉnh đã thành lập 14 trạm kiểm dịch và chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh.
***Tại Kiên Giang, ngày 24/5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang phối hợp với UBND huyện Tân Hiệp tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn lợn 33 con của hộ gia đình Nguyễn Sol Pha ở ấp Tân Hòa A, xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp, sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đây là ổ dịch đầu tiên trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Hiệp, đàn lợn của hộ gia đình Nguyễn Sol Pha có 1 con lợn nái bị bệnh từ ngày 18/5 và 2 ngày sau đó có thêm 3 con bị bệnh, với triệu chứng sốt cao, không ăn, lười vận động… Nghi ngờ lợn có khả năng nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi nên gia đình trình báo cho cơ quan chuyên môn.
Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Hiệp đã lấy mẫu, đưa đi xét nghiệm. Ngày 24/5, Cơ quan Thú y vùng 7 đã thông báo kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ngoài việc tiêu hủy đàn lợn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang đã cung cấp hóa chất để vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi có lợn bị nhiễm bệnh của hộ gia đình; khoanh vùng ổ dịch theo quy định, hạn chế cho người ra vào vùng có dịch để tránh lây lan ra diện rộng.
Ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang cho biết: “Chúng tôi kết hợp với địa phương tập trung quản lý tốt địa bàn để tránh trường hợp gia súc ra vào trong ổ dịch. Kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ từ khâu nhập đầu vào đến đầu ra tiêu thụ, gắn với tăng cường vệ sinh tiêu độc hàng ngày. Triển khai đồng bộ các biện pháp tránh lây lan ra diện rộng”.
Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang duy trì hoạt động các tổ kiểm dịch lưu động tại các huyện Vĩnh Thuận, Châu Thành, Kiên Lương, An Minh; thành lập thêm 3 tổ kiểm dịch ở huyện Gò Quao, Giồng Riềng và Tân Hiệp tại các đầu mối giao thông huyết mạch để thanh tra, kiểm dịch vận chuyển lợn, sản phẩm lợn vào địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()