Chủ Nhật, 19/01/2025 13:23 (GMT +7)

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Thay thế người đứng đầu có biểu hiện dung túng cho buôn lậu

Thứ 5, 09/03/2017 | 15:46:00 [GMT +7] A  A

“Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tạo được sự chuyển biến căn bản”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã nhấn mạnh tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, sáng 9/3.

PhóThủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 389 chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác 2016, sơ kết quý I năm 017 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Ảnh: ThốngNhất/TTXVN

Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn nhiều yếu tố phức tạp

Theo báo cáo, năm 2016, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng các cấp đã đấu tranh có hiệu quả, phát hiện, xử lý 211.559 vụ việc vi phạm (tăng 2,55% so với năm 2015); khởi tố 1.560 vụ, 1.863 đối tượng.

Số thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt trên 18.082 tỷ đồng (tăng 33,57% so với năm 2015).

Trong năm 2016, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tiếp nhận hàng trăm tin báo, qua phân tích đã chuyển 114 tin báo có cơ sở đến các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc thẩm quyền để xử lý theo quy định.

Điển hình là chuyển Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu phía Nam (C74B) kiểm tra, bắt giữ 90.000 bao thuốc lá lậu hiệu Jet và Hero tại xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; chuyển Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) điều tra, xác minh đối với 21 container chứa trên 10 triệu bao thuốc lá ngoại có dấu hiệu vi phạm cảng Quy Nhơn (Bình Định).

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong năm 2016, Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã phát hiện, xử lý hơn 23.000 vụ vi phạm; khởi tố 305 vụ, 222 đối tượng. Riêng trong lĩnh vực đấu tranh chống sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đã xử lý trên 1.300 vụ, phạt hành chính 9,6 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm 12,6 tỷ đồng.

Trong hai tháng đầu năm 2017, thành phố tổ chức ra quân kiểm tra phát hiện, thu giữ và xử lý kịp thời 4.984 vụ, thu nộp ngân sách, bán hàng tịch thu và thanh tra, kiểm tra truy thu thuế 931 tỷ đồng.

Số thuốc lá điếu nhập lậu và hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc bị tiêu hủy. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Theo Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2016, các lực lượng chức năng đã phát hiện 29.693 vụ, trong đó có 3.312 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu, thu ngân sách trên 4.500 tỷ đồng, truy thu thuế 3.161 tỷ đồng, khởi tố 111 vụ. Số vụ vi phạm của năm tăng trên 38% so với 2015, chủ yếu là tăng số vụ gian lận thương mại.

Thủ đoạn tinh vi

Các đại biểu đều cho rằng, mặc dù đã nỗ lực ngăn chặn, phát hiện và xử lý nhưng tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều yếu tố phức tạp, thủ đoạn tinh vi.

Đề cập đến tình hình buôn lậu trên biển, Tư lệnh Cảnh sát biển, Trung tướng Nguyễn Quang Đạm cho hay, thời gian qua nổi lên tình hình buôn lậu xăng dầu của các tàu cá được cải hoán. Cảnh sát biển đã bắt 46 vụ liên quan đến yếu tố nước ngoài, chủ yếu là các tàu nước ngoài bán xăng dầu cho các tàu cá được cải hoán của Việt Nam trên các vùng biển giáp ranh để các tàu này bán lại cho tàu đánh cá xa bờ.

Đặc biệt là hiện tượng bán than cám 4, 5, 6 (lượng than này chủ yếu là của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam – TKV, các cơ sở tư nhân không thể sàng tuyển được) không rõ nguồn gốc, quay vòng hóa đơn. “Đây là điều đáng quan tâm, tại sao phải quay vòng hóa đơn, phải chăng hàng hóa đi không đúng luồng?”, Trung tướng Nguyễn Quang Đạm đặt câu hỏi. Trung tướng Đạm cho biết đấu tranh với hiện tượng này rất khó vì có hóa đơn, giấy tờ đầy đủ, chỉ cơ sở trinh sát mới nắm được nguồn gốc, từ đó mới đấu tranh được.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn thông tin về tình hình nhập khẩu thông qua hàng hóa nhưng thực chất là buôn bán trái phép cocain, các loại ma túy mới vào Việt Nam qua đường hàng không, đường biển (có lúc lên tới 3 tấn lá Khát), trong quá trình điều tra, bắt giữ cho thấy có liên quan đến các phương tiện vận chuyển, các hãng vận chuyển.

Tổng cục Hải quan đang giữ và cùng Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ khám xét, xác minh đến cùng hàng vô chủ ở các kho hàng không. “Phương tiện chuyên chở hàng lậu, hàng cấm cần phải xác định và thậm chí hướng dẫn luật để xử lý”, ông Cẩn nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhìn nhận phương thức, thủ đoạn của đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi. Nếu như trước đây, hàng giả chủ yếu tập trung vào những hàng hóa có giá trị cao, có uy tín trên thị trường và do nước ngoài sản xuất thì nay hàng giả thường là những mặt hàng tiêu dùng giả mạo về thông tin trên bao bì, nhãn hàng hóa, giả mạo tên, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Lợi dụng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn dùng hàng hóa Trung Quốc ghi dán nhãn mác hàng sản xuất trong nước.

Trong khi đó, hiệu quả công tác quản lý nhà nước nói chung và hoạt động quản lý, kiểm tra chưa đạt hiệu quả như yêu cầu. Thông tin và dự báo chuyên sâu về các vấn đề hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn thiếu và yếu về đầu mối và chất lượng thông tin. Việc trao đổi, cập nhật thông tin chưa kịp thời và thường xuyên.

Trình độ đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp làm công tác kiểm tra, xử lý còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của việc thực thi pháp luật trong tình hình mới. Các phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ công tác đấu tranh chống hàng giả còn thiếu; có những bất cập, khe hở trong các quy định pháp luật, tạo điều kiện cho các đối tượng làm hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trong khi chế tài chưa đủ sức răn đe đã làm giảm hiệu quả của công tác đấu tranh.

Phân tích nguyên nhân của các tồn tại, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng có nguyên nhân khách quan nhưng cơ bản vẫn còn yếu tố chủ quan. Do quy luật cung cầu, do lợi ích của các nhóm tổ chức, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia lợi dụng tình trạng cung cầu chưa cân đối và kẽ hở của chính sách pháp luật, lợi dụng đời sống nhân dân vùng biên giới và bộ phận lao động nghèo làm tay chân cho hoạt động phi pháp.

Đấu tranh với các loại tội phạm này rất khó khăn, gian khổ. Nhiều người đã hy sinh nhưng cũng có bộ phận cán bộ tiêu cực, bị câu móc sử dụng tham gia vào các hoạt động tội phạm. Vai trò lãnh đạo chỉ đạo ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt, có lúc, có nơi thiếu quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc, có trường hợp bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, theo Phó Thủ tướng.

Trừng trị các loại tội phạm có tổ chức

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ có làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mới bảo vệ được sản xuất trong nước, bảo vệ được trật tự pháp luật và cuộc sống bình yên của nhân dân, thu được ngân sách và trừng trị các loại tội phạm có tổ chức, xã hội đen xuyên quốc gia.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chức năng nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của bộ, ngành, địa phương mình thời gian qua; đề ra giải pháp khắc phục mạnh mẽ, thực chất và bài bản.

Xác định, chỉ rõ các địa bàn, mặt hàng trọng điểm; nhận diện các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, kể cả các thủ đoạn chuyển giá, gây trốn thuế và thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước, làm không lành mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, các đối tượng cầm đầu chủ mưu để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá.

Từ thực tế phát hiện ra rất nhiều vụ vi phạm lớn nhưng thường không phát hiện và xử lý được đối tượng cầm đầu bởi chúng rất tinh vi, sử dụng mạng lưới tay chân có tổ chức chặt chẽ và vì lợi nhuận cao nên sẵn sàng dùng vũ lực để tấn công các lực lượng chức năng, Phó Thủ tướng cho rằng phải có giải pháp quyết liệt tuần tra, canh gác, phối hợp lực lượng, tăng cường phát hiện xử lý.

Quan trọng hơn, phải có giải pháp trinh sát đối tượng cầm đầu, ứng dụng công nghệ, xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia để phát hiện các mặt hàng buôn lậu, tập trung thông tin phương thức, thủ đoạn phục vụ công tác đấu tranh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xử lý nghiêm các vi phạm.

Tập trung nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tại các địa bàn trọng điểm biên giới phía Bắc, Tây Nam, cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn.

Một mặt xác định địa bàn, mặt khác phải chấn chỉnh công tác cán bộ, xây dựng lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực sự trong sạch, vững mạnh; chấm dứt hiện tượng tập kết hàng hóa lậu công khai ở biên giới, vận chuyển công khai trên đường về đến địa bàn dân cư, đưa vào nơi chứa chấp; ở nơi nào xảy ra thì lực lượng chức năng, địa phương đó phải chịu trách nhiệm, theo Phó Thủ tướng.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc rà soát, hoàn thiện các qui định của pháp luật, khắc phục những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý, không để các đối tượng lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả…

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu