Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 19/01/2025 07:15 (GMT +7)
Quan hệ Việt-Nhật sâu sắc thêm sau chuyến thăm của Nhà Vua, Hoàng hậu
Thứ 5, 02/03/2017 | 16:32:00 [GMT +7] A A
Hàng loạt báo lớn Nhật Bản ngày 1/3 đưa trang trọng hình ảnh của Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản được chào đón nồng nhiệt tại Việt Nam cũng như thông tin về chuyến thăm.
Thiếu nhi Thủ đô Hà Nội tặng hoa Nhà Vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Hãng tin Kyodo đăng tin Nhà Vua mong muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam. Theo đó, phát biểu tại Hà Nội trong Quốc yến chào mừng do Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì, Nhà Vua bày tỏ hy vọng chuyến thăm này “sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau cũng như củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa người dân Việt Nam và Nhật Bản”.
Nhìn lại lịch sử giao lưu lâu dài giữa nhân dân hai nước có từ thế kỷ thứ 8, Nhà Vua cho biết mối quan hệ giữa Nhật Bản – Việt Nam đã được tăng cường kể từ năm 1973 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và hiện khoảng 180.000 người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản. Nhà Vua bày tỏ sự vui mừng khi người dân hai nước đều yêu thích văn hóa của nhau trong đó có âm nhạc và ẩm thực thông qua các sự kiện được hai nước tổ chức.
Truyền thông Nhật Bản cho biết Việt Nam và Nhật Bản là các đối tác chiến lược và Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đồng thời là nhà cung cấp viện trợ phát triển ODA lớn nhất. Trong thời gian gần đây, Việt Nam và Nhật Bản đã có những bước đi nhằm tăng cường mạnh mẽ quan hệ song phương.
Bên cạnh đó, truyền thông Nhật Bản cũng trích đăng phát biểu của nhà phân tích chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore Lê Hồng Hiệp. Theo ông Lê Hồng Hiệp, chuyến thăm của Nhà Vua Akihito tới Việt Nam lần này là chuyến thăm lịch sử trong quan hệ song phương bởi đây là chuyến thăm đầu tiên của một vị Vua Nhật Bản tới Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ngoài ra, chuyến thăm này diễn ra chỉ chưa đầy 2 tháng sau chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Hà Nội, cho thấy “quan hệ song phương đã được tăng cường và thắt chặt trong thời gian gần đây cũng như mức độ thân tình và mức độ tin tưởng lẫn nhau rất cao giữa hai nước”.
Đài NHK của Nhật Bản cho rằng chuyến thăm lần này của Nhà Vua và Hoàng hậu sẽ tạo thêm nét tươi mới, hình ảnh năng động, đầy đủ của mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong bối cảnh hiện nay và trong tương lai. Nhân chuyến thăm này, đài NHK đã phỏng vấn Tiến sĩ Trần Việt Thái, Viện phó Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam.
Theo ông Trần Việt Thái, đây là lần đầu tiên Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản đến thăm Việt Nam, điều chưa từng có tiền lệ đối với cả hai nước. Tháng 8/2016, Nhà Vua đã bày tỏ ý muốn thoái vị. Thời điểm chuyến đi cho thấy Nhà Vua và Hoàng hậu rất quý trọng Việt Nam và muốn đi thăm Việt Nam trước khi thoái vị.
Tờ Japan Today cho rằng chuyến thăm của Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản tới Việt Nam là nhằm quảng bá thiện chí và xoa dịu những vết thương chiến tranh mà quân đội Nhật Bản đã để lại trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Báo trên cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản sẽ gặp gỡ thân nhân của binh lính Nhật Bản ở lại Việt Nam sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Trong khi đó, truyền thông phương Tây trong đó có hãng tin Pháp AFP, đài Sputnik, cũng đưa thông tin về chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản.
Phát biểu với hãng tin Pháp AFP, Giáo sư Yuji Otabe thuộc Đại học Shizuoka và là chuyên gia nghiên cứu lịch sử cận đại Nhật Bản, cho rằng chuyến thăm của Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản rất có ý nghĩa đối với cả Nhật Bản và Việt Nam “khi Nhà Vua muốn thể hiện cảm thông sâu sắc tới những người phải chịu đau khổ do lịch sử”. Giáo sư Otabe cho rằng Việt Nam và Nhật Bản đều mong muốn tăng cường và củng cố mối quan hệ hơn nữa.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn đài Sputnik, Giáo sư Dmitry Mosyakov, người đứng đầu Trung tâm Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông, cho biết “theo quan điểm của Nhật Bản, ở châu Á có hai đồng minh đáng tin cậy, đó là Việt Nam và Ấn Độ – hai quốc gia với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.
Hiện Nhật Bản muốn xây dựng một trục liên kết Tokyo-Hà Nội-Delhi”. Nhật Bản là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam trong khuôn khổ hỗ trợ ODA, chỉ đứng sau Hàn Quốc về khối lượng đầu tư, là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lại tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu. Hiện Tokyo đang thành lập ở Việt Nam những trung tâm đào tạo và phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học, rất nhiều lưu học sinh Việt Nam đang học tập ở Nhật Bản. Việc đảm bảo an ninh trên không và trên biển trong khu vực là một lĩnh vực quan trọng trong sự hợp tác giữa hai nước, theo đó, Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra biển cho Việt Nam.
Theo Giáo sư Mosyakov, “tình hình hiện nay là một thắng lợi trong chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa của Hà Nội. Hiện nay các nước lớn trên trường quốc tế, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Nga, đều muốn phát triển quan hệ toàn diện với Việt Nam”.
Ông cho rằng “các nhà lãnh đạo Việt Nam đủ sáng suốt, tài tình để duy trì sự cân bằng giữa các nước, tận dụng lợi thế hiện nay để đưa kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn và tiếp tục củng cố quốc phòng”.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Nhà Vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam từ ngày 28/2-5/3. Đây là chuyến công du đầu tiên của một vị Vua Nhật Bản tới Việt Nam trong lịch sử quan hệ hai nước, được dư luận và truyền thông đặc biệt quan tâm.
Ý kiến ()