Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 09/01/2025 00:38 (GMT +7)
Quốc hội bắt đầu phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn
Thứ 2, 16/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, sáng 16/11, Quốc hội bắt đầu phiên họp giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn.
Diễn ra trong 2,5 ngày, hoạt động chất vấn tại kỳ họp 10 sẽ có sự khác biệt lớn so với các kỳ họp trước, Quốc hội sẽ chất vấn tổng thể việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ XIII đến 2015.
Phiên họp quan trọng này được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đây là phiên họp cuối cùng về hoạt động chất vấn và giám sát hoạt động chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp 10. Kỳ họp sau, Quốc hội sẽ tập trung vào hoạt động tổng kết và một số nội dung khác.
Tại phiên họp này, Quốc hội sẽ nghe lại báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết về chất vấn và giám sát của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ nội dung chất vấn tại kỳ họp này sẽ rất tổng hợp, toàn diện tình hình của đất nước, trong đó có liên quan tới hoạt động của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh qua chất vấn để đánh giá các yêu cầu của Quốc hội trong hoạt động giám sát, hoạt động chất vấn đã được tổ chức thực hiện thế nào, đã tốt chưa, qua thực hiện đã thúc đẩy hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, thực hiện yêu cầu của cử tri hay chưa; qua thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, xem xét các vấn đề còn tồn tại để tiếp tục làm tốt hơn nữa. Đây là những nội dung mang tính tổng kết cho cả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ .
Ngay sau đó, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Báo cáo nêu rõ thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Báo cáo đã khẳng định sự cố gắng toàn diện của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thể hiện trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan tư pháp đối với các vấn đề kinh tế-xã hội bức xúc mà cử tri cũng như nhân dân cả nước đã đặt ra.
Các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn về giám sát, giải quyết kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan tư pháp và chính quyền các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện và đạt được kết quả cụ thể, tạo ra những chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan tư pháp đã xác định việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, về hoạt động giám sát, giải quyết kiến nghị của cử tri là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của mình; từ đó, triển khai mạnh mẽ các giải pháp để giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc của cử tri cả nước nêu ra. Nhờ vậy, đa số các vấn đề bức xúc và nổi cộm đã được quan tâm giải quyết và đã có kết quả nhất định trong thực tế.
Không đi sâu vào các kết quả quan trọng và cơ bản trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn vừa qua, Báo cáo tập trung nêu những tồn tại cần giải quyết trong thời gian tới về 17 lĩnh vực cụ thể gồm kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng; công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải; xây dựng; lao động-thương binh và xã hội; y tế; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; tư pháp; nội vụ; lĩnh vực thanh tra; an ninh, trật tự an toàn xã hội; nêu rõ những mặt đã làm được, đồng thời những tồn tại, bất cập đã được phân tích, làm rõ.
Cụ thể, lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, qua thực hiện cho thấy, việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư công ở một số nơi còn chưa nghiêm. Vẫn còn tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Tình trạng chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản ở một số nơi khắc phục chậm. Hiệu quả đầu tư công chưa cao. Thu hút các nguồn vốn ngoài nhà nước tham gia vào đầu tư phát triển chưa thật hiệu quả. Nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA và vay ưu đãi còn hạn hẹp. Thu hút đầu tư xã hội và đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng chưa nhiều. Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở nhiều ngành, lĩnh vực và sắp xếp, đổi mới nông lâm trường, công ty nông lâm nghiệp chưa đạt tiến độ đề ra; tỷ lệ vốn được cổ phần hóa còn thấp.
Lĩnh vực tài chính, cân đối ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, chi thường xuyên lớn, bội chi còn cao. Quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước ở một số bộ ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ. Còn tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và lãng phí trong chi ngân sách nhà nước. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Việc sử dụng các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương ở một số dự án hiệu quả còn thấp. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhìn chung còn chậm.
Lĩnh vực ngân hàng, việc cơ cấu lại một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và xử lý nợ xấu còn khó khăn. Còn một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Việc tiếp cận vốn tín dụng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn. Chất lượng tín dụng, quản trị và dịch vụ ngân hàng còn phải tiếp tục cải thiện và tăng cường ngày càng phù hợp hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Lĩnh vực công thương, việc giải quyết đất ở và đất sản xuất, bảo đảm sinh kế cho người dân tái định cư các dự án thủy điện còn khó khăn; một số dự án nguồn điện chậm tiến độ; chất lượng hệ thống lưới truyền tải điện còn hạn chế. Cơ chế chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ chậm được ban hành và thiếu đồng bộ. Đổi mới công nghệ, phát triển các ngành có công nghệ, giá trị gia tăng cao còn chậm. Tiêu thụ một số mặt hàng còn khó khăn. Nhập siêu trở lại. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp.
Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chưa đạt yêu cầu; sản xuất nông nghiệp nhìn chung hiệu quả chưa cao; chưa xây dựng được nhiều thương hiệu mạnh; tiêu thụ nông sản và đời sống một bộ phận người dân nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Quản lý quy hoạch phát triển nông nghiệp, vùng nguyên liệu còn nhiều vướng mắc. Việc đổi mới, phát triển các mô hình tổ chức, liên kết sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm; năng suất lao động nông nghiệp còn thấp. Quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu và bảo đảm vệ sinh an toàn trong sản xuất, chế biến nông sản còn bất cập. Một số tiêu chí nông thôn mới còn chưa phù hợp; vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.
Lĩnh vực tài nguyên và môi trường, việc sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản một số nơi còn lãng phí, hiệu quả chưa cao. Tình trạng vi phạm pháp luật đất đai còn nhiều, xử lý chưa nghiêm, gây thất thoát ngân sách. Ô nhiễm môi trường, nhất là tại làng nghề, khu, cụm công nghiệp, lưu vực sông cải thiện chậm. Chế tài xử lý vi phạm pháp luật về môi trường còn thiếu và chưa đủ mạnh. Tình trạng ngập lụt ở một số thành phố khắc phục còn chậm. Nguồn lực cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế.
Lĩnh vực giao thông vận tải, tai nạn giao thông vẫn còn nghiêm trọng; chưa khắc phục tốt tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao. Công tác quản lý về kinh doanh vận tải và phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu; các phương thức vận tải chưa được kết hợp tốt. Chất lượng một số công trình giao thông chưa bảo đảm. Huy động nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển hạ tầng giao thông còn hạn chế.
Lĩnh vực Xây dựng, tồn kho bất động sản vẫn còn khá lớn. Quản lý xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch ở nhiều địa phương còn yếu kém. Chất lượng một số công trình xây dựng còn thấp. Tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn gây nhiều bức xúc.
Lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội, một số chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Chưa giải quyết dứt điểm vướng mắc, tồn đọng trong thực hiện chính sách người có công. Còn tình trạng lao động làm việc ở nước ngoài vi phạm pháp luật; chưa đạt mục tiêu đề ra đối với xuất khẩu lao động ở các huyện nghèo. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu dạy nghề; chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề còn hạn chế, nhất là đối với lao động nông thôn.
Lĩnh vực y tế, chất lượng khám chữa bệnh còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở tuyến cơ sở; tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trung ương chưa được khắc phục căn bản. Việc thanh toán khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, quản lý và đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế còn bất cập. Một số cơ sở y tế chưa thực hiện nghiêm việc niêm yết, kê khai giá theo quy định. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục đại học, đào tạo nghề chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội, chất lượng chậm được cải thiện. Việc sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để tuyển sinh đại học, cao đẳng còn lúng túng. Cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu.
Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, vẫn còn những biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử; một số hoạt động lễ hội phản cảm, lãng phí; những lệch lạc trong sáng tác, biểu diễn. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động văn hóa còn bất cập. Nhiều công trình thể thao sử dụng không đúng mục đích. Chất lượng dịch vụ du lịch nhìn chung còn thấp; lượng khách quốc tế đến Việt Nam ở mức thấp so với các nước trong khu vực.
Lĩnh vực thông tin và truyền thông, sai phạm trong hoạt động báo chí còn nhiều; việc ngăn chặn thông tin sai trái, độc hại trên các trang tin điện tử, mạng xã hội rất khó khăn; việc bảo an toàn thông tin, an ninh mạng còn bất cập; chưa xử lý hiệu quả tình trạng tin nhắn rác, sim rác.
Lĩnh vực tư pháp, việc chuẩn bị một số dự án Luật, Pháp lệnh vẫn còn chậm. Còn tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Một số quy định thiếu tính khả thi, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Hiệu quả kiểm soát thủ tục hành chính chưa cao. Quản lý thi hành án dân sự vẫn còn bất cập; năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một số công chức thi hành án dân sự chưa đáp ứng yêu cầu; số trường hợp vi phạm, bị xử lý có xu hướng tăng.
Lĩnh vực nội vụ, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo. Việc đổi mới chế độ công vụ, công chức còn chậm; tinh giản biên chế còn khó khăn. Chất lượng của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm.
Lĩnh vực thanh tra, vẫn còn xảy ra nhiều vụ khiếu kiện đông người, nhất là liên quan đến đất đai, môi trường. Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện tốt các quy định của Luật Tiếp công dân. Công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra; thu hồi tài sản tham nhũng tuy có khá hơn nhưng vẫn đạt tỷ lệ thấp.
Lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội tại một số địa bàn vẫn còn phức tạp, đã xảy ra một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng; một số tổ chức nhen nhóm hình thành trái pháp luật; còn bị động trong xử lý một số trường hợp gây rối trật tự công cộng.
Theo chương trình, tại phiên họp sáng 16/11, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015.
Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi sáng và chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận về các báo cáo và chất vấn lại một số vấn đề./.
(VIETNAMPLUS)
Ý kiến ()