Hoạt động giám sát của Quốc hội là nhằm phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đảm bảo quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân.
Trong thời gian qua, cùng với việc thực hiện chức năng lập pháp và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, góp phần đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả, thực chất hơn.
Tại kỳ họp thứ 10 khóa 13, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014. Một bức tranh toàn cảnh về thực trạng các nông, lâm trường trong toàn quốc đã được chỉ rõ trong báo cáo giám sát đồng thời cũng được đại biểu Quốc hội phân tích, mổ xẻ như tình trạng giao khoán đất tràn lan, hiệu quả thấp; việc thu hồi đất của các nông, lâm trường rồi giao lại cho địa phương quản lý còn chậm, dẫn đến tình trạng đất “vô chủ”, tạo kẽ hở cho lấn chiếm đất trái phép…
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước – Trưởng đoàn giám sát cho biết, để có được bức tranh toàn cảnh, đoàn giám sát đã phải làm việc rất tích cực, tổng hợp chi tiết từng số liệu.
Ông Ksor Phước chia sẻ: “Số liệu là vấn đề hóc búa nhất. Bản thân tôi phải đọc đi đọc lại và hỏi rõ tại sao các con số ở trong một thời điểm thì giống nhau thế mà giờ lại khác nhau. Số liệu của các bộ, các tỉnh cũng thế. Riêng các tỉnh, có tới 10 tỉnh trọng điểm có nông, lâm trường lại báo cáo không đầy đủ. Tôi yêu cầu phải viết lại. Việc tập hợp số liệu là yêu cầu cực kì nan giải đối với đoàn giám sát”.
5 năm qua, Quốc hội khóa 13 đã tiến hành nhiều cuộc giám sát tập trung vào ngân sách nhà nước, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học – công nghệ đến các vấn đề dân sinh bức xúc như giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng; giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012…
Nếu như trước đây, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội chủ yếu dựa trên tinh thần và nội dung của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội với những quy định chung chung thì nay, kế hoạch giám sát đã được Quốc hội thông qua hằng năm nhằm giúp cho hoạt động này được tiến hành thường xuyên, có nền nếp, có trọng tâm, trọng điểm.
Đánh giá về hiệu quả của hoạt động giám sát trong nhiệm kì Quốc hội khóa 13, GS.TS Trần Ngọc Đường, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: “Hoạt động giám sát của Quốc hội khóa 13 có nhiều đổi mới, đó là đi sâu vào giám sát chuyên đề để hạn chế sự giám sát dàn trải và có nhiều đại biểu đặt câu hỏi trong quá trình thực hiện quyền chất vấn là một phương tiện để giám sát rất sắc sảo, hợp lòng dân, thể hiện được bản lĩnh của đại biểu Quốc hội”.
Theo ông Lương Phan Cừ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội, những hạn chế, yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương đã được phát hiện, từ đó, có các giải pháp phù hợp cũng như kịp thời bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật trong tổ chức thực hiện. Ông Lương Phan Cừ cho rằng, giám sát của Quốc hội là phương tiện không thể thiếu trong kiểm soát quyền lực Nhà nước.
“Hoạt động giám sát đã đi vào từng chuyên đề, đi vào những vấn đề rất bức xúc của người dân. Chính hoạt động giám sát đó đã thúc đẩy bộ máy, thúc đẩy Chính phủ và chính quyền các cấp hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn. Một câu chất vấn của đại biểu Quốc hội có tác động lớn vào bộ máy, vào cả sự vận hành của bộ máy, như thế là có hiệu quả”, ông Cừ nhấn mạnh.
Trong các hình thức giám sát, chất vấn được coi là một công cụ giám sát hiệu quả của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Hoạt động chất vấn luôn được đổi mới để nâng cao chất lượng, nhất là đổi mới cách thức tiến hành phiên chất vấn, như trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề, hạn chế đến mức thấp nhất thời gian trả lời bằng văn bản…
Số lượng và chất lượng các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua, hình thức chất vấn của Quốc hội được đổi mới với việc các đại biểu được quyền chất vấn bất kỳ thành viên nào của Chính phủ, Thủ tướng và chất vấn ngay cả Chủ tịch Quốc hội Quốc hội.
Bà Trương Thị Ánh, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: “Cách làm lần này rất hay bởi vì đây là kỳ họp gần cuối của nhiệm kỳ, mục tiêu rà soát lại trong quá trình thực hiện các nghị quyết trước đó thì chất vấn các Bộ trưởng và các ngành có liên quan thực hiện như thế nào, kết quả ra sao phải báo cáo lại cho cử tri biết. Đây là việc làm tốt, có thể phát huy cho nhiệm kỳ sau. Về nội dung tôi thấy lần này chính phủ và các ngành có liên quan báo cáo quá trình thực hiện kết quả, chất vấn trong thời gian vừa qua. Trong báo cáo hết sức thẳng thắn, nhìn nhận được mặt được của mình, có nêu các giải pháp tích cực để khắc phục những tồn tại mà các đại biểu đã chất vấn trong thời gian vừa qua”.
Tuy nhiên, hoạt động giám sát vẫn còn những hạn chế nhất định như chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động của Quốc hội; nhiều kiến nghị sau giám sát chưa được các cơ quan có liên quan nghiêm túc thực hiện, làm cho chất lượng giám sát thiếu hiệu quả, thiếu thực chất.
PGS.TS Bùi Xuân Đức, Giám đốc Trung tâm công tác Lý luận, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: “Hoạt động giám sát đòi hỏi phải được đề cao. Vì Quốc hội có 3 nhiệm vụ là lập pháp, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước và giám sát. Nhân dân đang rất trông đợi vào hoạt động giám sát, phải làm sao giám sát thực chất. Giám sát xong phải có xử lý trách nhiệm chứ không phải để đấy, như vậy không đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của nhân dân và thực chất là không đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của Quốc hội”.
Sở dĩ, hoạt động giám sát luôn thu hút được sự quan tâm, theo dõi của cử tri là bởi nó có tác động thiết thực, thúc đẩy các cơ quan nhà nước khắc phục những thiếu sót, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần tích cực giải quyết những vấn đề bức xúc của cuộc sống đặt ra. Ngược lại, những kết quả đó lại góp phần vào việc tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát của Quốc hội, để cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất xứng đáng thuộc về nhân dân, bảo đảm mọi quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân./.
VOV
Ý kiến ()