Thứ Bảy, 28/12/2024 16:49 (GMT +7)

Quốc hội thảo luận dự án Luật dược (sửa đổi) và dự án Luật về hội

Thứ 6, 20/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, chiều 19/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật dược (sửa đổi) và dự án Luật về hội.

Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Long An, Ninh Bình, Kiên Giang thảo luận tại tổ. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN.

Tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực dược

Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật dược. Việc sửa đổi Luật lần này nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật dược năm 2005 cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển và xu thế hội nhập; góp phần giúp người dân tiếp cận thuận lợi hơn với nhiều loại thuốc chất lượng, thuốc mới, giá cả hợp lý; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp dược và y học cổ truyền; cải cách thủ tục hành chính; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực dược.

Nhiều đại biểu đánh giá về cơ bản nội dung dự án Luật đã bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, cần sắp xếp bố cục hợp lý hơn, rà soát các quy định về phát triển công nghiệp dược, thuốc cổ truyền, kinh doanh thuốc và nguyên liệu làm thuốc, giá thuốc để đảm bảo tương thích với Luật giá, Luật đấu thầu… và các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và chuẩn bị ký kết.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: Sửa đổi Luật dược là điều được nhân dân mong chờ nhưng để xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân, dự án Luật cần bổ sung, hoàn thiện một số nội dung để luật có thể đi vào cuộc sống. Cụ thể, về chính sách phát triển công nghiệp dược Việt Nam, hiện nay thiếu định hướng quản lý Nhà nước, vì thế thị trường phát triển tự phát, doanh nghiệp ít nhưng nhiều sản phẩm trùng lặp, đầu ra không bảo đảm. Khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành dược chịu tác động rất lớn, vì vậy cần tránh trường hợp xây dựng Luật chưa lâu lại phải sửa.

Về đấu thầu giá thuốc, đại biểu Phong Lan cho rằng vấn đề này rất phức tạp. Nếu đấu thầu tập trung thì chưa chắc hiệu quả vì ít doanh nghiệp lớn, sẽ có tình trạng doanh nghiệp tìm mọi cách trúng thầu rồi “chạy làng” hoặc sau đó mới thuê để gia công thuốc rồi cung ứng. Vì vậy, đấu thầu không nên là cách duy nhất, cần nghiên cứu để các bệnh viện uy tín được quyền mua thuốc với sự đồng ý của bảo hiểm y tế.

Liên quan đến quy định về quản lý giá thuốc, dự án Luật đã quy định nguyên tắc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch, Nhà nước chỉ can thiệp nhằm bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi giá thuốc có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế – xã hội, đồng thời phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về giá thuốc. Nhìn chung, quy định về quản lý giá thuốc của dự thảo Luật đã phù hợp với Luật giá, Luật đấu thầu, tuy nhiên đây là vấn đề cần quan tâm, sửa đổi cho phù hợp với thực tế hiện nay. Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) nêu rõ: Giá thuốc hiện đang là vấn đề nhức nhối của nước ta. Cùng một loại thuốc nhưng giá bán ở các cơ sở kinh doanh khác nhau, nhiều nơi không niêm yết giá. Một số công ty sẵn sàng chi phần trăm (%) hoa hồng cho các bác sỹ để kê toa thuốc của công ty đó. Người dân không thể biết được giá đó đúng hay sai nên họ là người thiệt thòi nhất, chịu áp lực về chi phí nhất. Quy định hiện nay cũng chưa cho phép các công ty nước ngoài phân phối dược phẩm tại Việt Nam nhưng thực tế cho thấy họ đang trực tiếp phân phối thông qua các công ty dược trong nước qua nhiều đầu mối, trung gian, vì vậy giá thuốc bị đội lên cao.

Đại biểu đề nghị cần có một chương về nội dung này một cách rõ ràng, cụ thể về mạng lưới phân phối giá thuốc trong nước, tránh tình trạng phân phối qua nhiều đầu mối, qua nhiều khâu trung gian để đẩy giá lên cao. Các doanh nghiệp cần kê khai cụ thể, chi tiết trước khi lưu hành thuốc; sau khi lưu hành thuốc phải thực hiện việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên để giám sát, niêm yết giá công khai xem có đúng giá trước khi lưu hành thuốc hay không…

Phát huy vai trò tích cực của Hội trong đời sống xã hội

Cho ý kiến về dự án Luật về hội, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, bởi quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân được ghi nhận ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta – Hiến pháp năm 1946 và tiếp tục được ghi nhận trong các bản Hiến pháp sau này. Việt Nam đã tham gia Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948 và Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, trong đó đề cập đến quyền tự do hiệp hội của cá nhân. Tính đến tháng 12/2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương), trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù (28 hội hoạt động phạm vi cả nước và 8.764 hội hoạt động phạm vi địa phương). Đây là những biểu hiện tích cực của quá trình dân chủ hóa xã hội, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong tiến trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Việc ban hành Luật về hội nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền lập hội của công dân, phát huy vai trò tích cực của hội trong đời sống xã hội và tăng cường quản lý nhà nước về hội.

Đối với quy định về các tổ chức chính trị – xã hội, quy định của Luật này không áp dụng đối với “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam”. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành quy định này, bởi đây là các tổ chức chính trị – xã hội được quy định trong Hiến pháp, có vị trí, vai trò đặc biệt, được giao thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng và được Đảng bố trí các cán bộ chủ chốt trong ban lãnh đạo, được Nhà nước bảo đảm cơ sở vật chất, ngân sách hoạt động; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách. Nếu xác định vị trí, vai trò của các tổ chức này là các hội thuần tuý mang tính chất xã hội tự quản và chịu sự điều chỉnh của Luật về hội là chưa phản ánh đúng bản chất và thực tế sự phát triển lịch sử của hệ thống chính trị ở nước ta. Hơn nữa, một số tổ chức chính trị – xã hội đã được điều chỉnh trong các luật, pháp lệnh khác như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Pháp lệnh cựu chiến binh.

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội nêu ý kiến dự án Luật cần điều chỉnh đối với tất cả các tổ chức hội bao gồm các tổ chức chính trị – xã hội. Theo các đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương), Lê Đình Khanh (Hải Dương), Vũ Chí Thực (Quảng Ninh), Luật về hội cần điều chỉnh đối với tất cả các tổ chức hội bao gồm các tổ chức chính trị – xã hội. Bởi vì, mặc dù các tổ chức này có những đặc thù riêng và có cơ cấu tổ chức tương tự các cơ quan Nhà nước, được Nhà nước bảo đảm ngân sách hoạt động, nhưng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì không phải là cơ quan Nhà nước. Việc điều chỉnh đối với các tổ chức này là nhằm thực hiện đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức chính trị – xã hội trong các tổ chức hội; bảo đảm sự công bằng, tính công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của các hội. Bên cạnh đó, cũng còn có một số tổ chức chính trị – xã hội như Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chưa có luật, pháp lệnh điều chỉnh.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đề nghị dự án Luật cần bổ sung các quy định liên quan đến các Hiệp hội. Hiệp hội là tổ chức tập hợp tổ chức của các hội nhỏ, có nội dung hoạt động giống tổ chức hội. Nếu không bổ sung đối tượng này, việc áp dụng trong thực tiễn sẽ khó khăn.

Các đại biểu đã dành thời gian thảo luận về chính sách đối với hội; về công nhận, bãi nhiệm người đại diện theo pháp luật của hội; về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội…

Phúc Hằng (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu