Từ nhiều năm nay, Quốc hội Campuchia đánh gia cao về hoạt động lập pháp và giám sát hoạt động Chính phủ của Quốc hội Việt Nam. Trên trường quốc tế như các diễn đàn Hội đồng Liên nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng nghị viện Châu Á (APA)… Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực để cùng xây dựng và phát triển các tổ chức này và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam 6/1/1945 – 6/1/2015, phóng viên VOV tại Campuchia có cuộc phỏng vấn ông Chhieng Vun – Chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, thông tin và tuyên truyền Quốc hội Campuchia về vai trò của Quốc hội Việt Nam.
Ông Chhieng Vun – Chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, thông tin và tuyên truyền Quốc hội Campuchia
PV: Ông nhận xét thế nào về hoạt động lập pháp và giám sát hoạt động Chính phủ của Quốc hội Việt Nam trong thời gian qua?
Ông Chhieng Vun: Quốc hội Việt Nam luôn có trách nhiệm trong việc lập pháp và giám sát Chính phủ. Các Bộ luật Chính phủ trình lên đều được Quốc hội thảo luận kỹ trước khi thông qua và đặt quyền lợi nhân dân lên hàng đầu. Việc hành pháp của Chính phủ cũng được Quốc hội theo dõi sát sao. Việc giám sát không phải ngồi nghe báo cáo Chính phủ mà từng đại biểu Quốc hội xuống từng cơ sở tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến cử tri, làm việc với các cấp chính quyền để giải quyết những vấn đề mà cử tri quan tâm. Chúng tôi đánh giá cao hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
PV: Ông nhận xét thế nào về việc thực hiện các cam kết, giải quyết những vấn đề chung của thế giới và khu vực của Quốc hội Việt Nam?
Ông Chhieng Vun: Quốc hội Việt Nam có vai trò quan trọng trên trường quốc tế và khu vực. Trên các diễn đàn Hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Việt Nam được bầu vào Ban chấp hành của Liên minh Nghị viện thế giới. Mới đây, ngài Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội là người bạn tốt của tôi đã được quốc tế đồng ý để tham gia BCH của Liên minh Nghị viện thế giới. Hội đồng Liên nghị viện Châu Á (APA), Nghị viện vùng châu Á – Thái Bình Dương trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) cũng đều có Việt Nam tham gia.
Trong các cuộc họp của các diễn đàn này đại biểu Quốc hội Việt Nam thường phát biểu đóng góp ý kiến để cùng xây dựng và phát triển các diễn đàn này. Vừa qua, Quốc hội Việt Nam tham gia tổ chức thành công các hội nghị, Đại hội các liên nghị viện và được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Các Hội nghị khác tổ chức ở nước ngoài đều có đại diện Việt Nam tham gia, đây là uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
PV: Về mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam và Campuchia, Quốc hội Việt Nam đã tham gia xây dựng như thế nào?
Ông Chhieng Vun: Việt Nam – Campuchia có tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp, tình hữu nghị mang tính lịch sử, không thể tách rời nhau. Chúng tôi không thể quên được là Việt Nam đã giải phóng dân tộc Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Đây là nhiệm vụ quốc tế của Việt Nam. Trong sự giúp đỡ này Quốc hội Việt Nam có vai trò quan trọng vì không có sự đồng ý của Quốc hội thì quân đội Việt Nam cũng không thể đến giúp Campuchia được. Tình hữu nghị này chúng ta tiếp tục duy trì, mặc dù Campuchia đã bước sang thời kỳ đổi mới, nhưng tình hữu nghị này chúng ta tiếp tục phát huy.
PV: Ông nghĩ gì về mối quan hệ Việt Nam và Campuchia trong thời gian tới?
Ông Chhieng Vun: Tôi hy vọng và tin tưởng tình hữu nghị này là tình hữu nghị mà Quốc hội Campuchia phải ghi nhớ, những gì Campuchia đang có hiện nay là thành tựu chung của 2 nước, là lời ích của và 2 dân tộc. Hiện nay chúng ta đang đi trên con đường hợp tác và hữu nghị vì lợi ích của 2 quốc gia. Tôi tin tưởng rằng tình hữu này sẽ phát triển bền vững.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Ý kiến ()