Thứ Bảy, 11/01/2025 15:53 (GMT +7)

Sân bay Tân Sơn Nhất ách tắc cả trên trời lẫn dưới mặt đất

Thứ 5, 04/02/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

 

Thanh niên tình nguyện hướng dẫn hành khách đến khu vực làm thủ tục hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất.
(Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Bắt đầu bước vào những ngày giao thông cao điểm của dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, mặc dù đã cố gắng phối hợp tối đa giữa các nhà chức trách sân bay để tìm các giải pháp giảm thiểu chậm chuyến, nhưng do quá tải về cơ sở hạ tầng, tình trạng ùn ứ, tắc đường trên không và tại khu vực đường băng cất/hạ cánh vẫn diễn ra thường xuyên, đặc biệt là ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Đơn cử ngày 3/2, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, do mật độ khai thác bay cao với tần suất cất/hạ cánh dày đặc, cộng thêm ảnh hưởng của hướng gió nên hầu hết các máy bay phải tập trung sử dụng một đường băng (số 07) để cất/hạ cánh, dẫn đến tình trạng lưu thông ở sân bay bị tắc nghẽn.

Thống kê trong ngày 3/2 cho thấy, đã có 33 chuyến buộc phải hạ cánh muộn từ 15-50 phút và 44 chuyến cất cánh muộn từ 15 phút-1 giờ. Nhiều chuyến bay đến phải bay vòng chờ, xếp hàng để hạ cánh; các chuyến bay đi có thời gian lăn bánh và chờ lệnh cất cánh lâu hơn kế hoạch.

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh, các hãng hàng không đã thống nhất điều phối giờ hạ cất cánh (Slot) giai đoạn cao điểm tại Tân Sơn Nhất theo giới hạn 40-38-36 (40 chuyến/giờ-38 chuyến/giờ-36 chuyến/giờ) thay vì giới hạn điều phối hiện nay (35 chuyến/giờ).

Tuy nhiên, trên thực tế, trong một số giờ cao điểm, quản lý bay đã phải điều hành lên đến 42 chuyến; trong vùng trời tiếp cận vào giờ cao điểm thường xuyên có 8-9 chuyến bay phải chờ; có chuyến bay phải bay đi sân bay dự bị vì thời gian bay chờ lâu, giờ lăn của tàu bay thông thường từ 10-15 phút/chuyến đã tăng lên đến 21-30 phút/chuyến.

Ông Thanh cho biết việc chấp nhập kế hoạch Slot 40-38-36 chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng ùn tắc trên trời nghiêm trọng hơn hiện nay, gây áp lực rất lớn lên kiểm soát viên không lưu và làm giảm chất lượng dịch vụ bay.

Không chỉ ách tắc trên trời và tại khu đường băng cất/hạ cánh, toàn bộ khu vực nhà ga Cảng hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng luôn ở trong tình trạng quá tải cục bộ trong suốt những ngày giáp Tết vừa qua.

Theo thống kê của sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 29/1, số khách là 77.000 người với 620 chuyến bay; ngày 30/1 là 87.000 với 630 chuyến và 31/1 là 89.000 người với 634 chuyến.

Một vị lãnh đạo sân bay này cho biết mỗi ngày trong dịp cao điểm Tết, lượng hành khách tăng hơn ngày hôm trước từ 10.000-15.000 và có thể đạt đỉnh điểm vào ngày 4/2 (tức ngày 26 tháng Chạp) với 100.000 lượt khách. Chưa kể, mỗi ngày có hàng chục nghìn người dân các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Tây đổ về sân bay để đón người thân về quê ăn Tết. Tình trạng này đã khiến sân bay Tân Sơn Nhất vốn đã quá tải vào ngày thường, nay càng trở nên chật chội hơn.

Nhân viên an ninh của sân bay phải tuần tra kiểm soát thường xuyên, thậm chí phải có người mặc thường phục để canh bắt những kẻ lợi dụng đông đúc móc túi, cướp giật tài sản.

Theo một nhân viên an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, tình trạng chen lấn như trên năm nào cũng xảy ra vào mỗi dịp Tết nguyên đán, khi lượng hành khách gia tăng cùng một lượng lớn người đi đón thân nhân có mặt tại sân bay hàng giờ đồng hồ.

Để tạo thuận lợi cho hành khách đi lại bằng đường hàng không qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong dịp Tết Bính Thân cũng như tránh tình trạng ùn ứ kéo dài tại khu vực Cảng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã phối hợp với Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các đơn vị liên quan cung cấp một số thông tin hỗ trợ hành khách đi lại.

Cụ thể, hành khách đi Vietnam Airlines sẽ đi vào cửa D1, làm thủ tục tại đảo A,B, C hoặc D, đi Jetstar và Vasco sẽ vào cửa D2, làm thủ tục tại đảo G với chuyến bay Vasco và đảo E/F với Jetstar, đi Vietjet sẽ vào cửa D3, làm thủ tục tại đảo I/K tại nhà ga quốc nội.

Ngoài hình thức làm thủ tục check-in truyền thống tại quầy, hành khách còn có thể tự làm thủ tục trực tuyến qua trang web của hãng, sử dụng mobile check-in và đặc biệt là hệ thống kiốt check-in tự động được Vietnam Airlines bố trí bên trái cửa D1 (5 máy), Vietjet Air bố trí đối diện cửa D2 (5 máy) để hành khách tự sử dụng để check-in và in thẻ lên tàu bay, sau đó hành khách có thể đến thẳng khu vực kiểm tra an ninh soi chiếu nếu không có hành lý ký gửi.

Theo quy định của các hãng, hành khách phải có mặt trước ít nhất 60 phút cho các chuyến bay trong nước và 120 phút cho các chuyến bay quốc tế. Một số hãng hiện nay đã mở quầy làm thủ tục trước 180 phút. Tuy nhiên, do tần suất bay tăng và số lượng khách đi máy bay sẽ rất đông trong dịp Tết Nguyên đán, hành khách nên chủ động đi sớm hơn thời gian nói trên để tránh kẹt xe vào giờ cao điểm và có đủ thời gian làm các thủ tục cần thiết.

Quầy thủ tục sẽ đóng 40 phút trước giờ khởi hành và cửa ra tàu bay sẽ đóng 15 phút trước giờ bay. Sân bay Tân Sơn Nhất không nhận giữ xe máy qua đêm để có chỗ phục vụ cho hành khách đi các chuyến bay trong ngày. Do giới hạn về mặt bằng, hành khách gửi xe máy tại khu vực nhà để xe tạm bãi xe quốc nội và sân bay.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khuyến cáo người dân chỉ nên đi đón khi thực sự cần thiết, hạn chế tối đa số người đi đón vì có thể gây ùn tắc tại khu vực sân bay./.

Diệu Linh (TTXVN/Vietnam )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu