Chủ Nhật, 19/01/2025 22:08 (GMT +7)

Sáp nhập Sở, ngành: Cân nhắc cơ chế đặc thù cho các tỉnh, thành lớn

Thứ 5, 30/03/2017 | 14:42:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Việc hợp nhất một số Sở tại các tỉnh, thành theo dự thảo Nghị định của Chính phủ, đang được Bộ Nội vụ tích cực lấy ý kiến.

Theo dự thảo Nghị định, tại các địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ sáp nhập với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch – Tài chính; Sở Xây dựng sẽ được sáp nhập với Sở GT-VT và nếu ở Hà Nội và TP HCM, sẽ được sáp nhập thêm với Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị. Cơ bản tán thành với chủ trương của dự thảo Nghị định, tuy nhiên, nhiều cán bộ, đảng viên và người dân vẫn còn băn khoăn và cho rằng, cần thận trọng và nên có cơ chế đặc thù cho mỗi vùng, miền, các tỉnh, thành phố.

hop nhat mot so so can can nhac co che dac thu cho cac tinh thanh lon hinh 1
Việc hợp nhất các Sở đang được Bộ Nội vụ có ý kiến.

Dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang được lấy ý kiến đóng góp trên website của Bộ Nội vụ (https://moha.gov.vn).

Theo dõi dự thảo Nghị định của Chính phủ, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng: Việc sáp nhập những cơ quan có chức năng gần nhau, đan xen nhau rất là cần thiết. Phân tích sự phát triển đa ngành, đa lĩnh vực các nước trên thế giới, bà Bùi Thị An thấy rằng: không có gì chuyên sâu 100% ở nước ta, cho nên việc sáp nhập những cơ quan mà có chức năng đan xen nhau là rất tốt. Như vậy, các phòng làm việc chức năng có thể bổ sung cho nhau được.

Bà Bùi Thị An khẳng định: Quy hoạch gồm cả xây dựng, kiến trúc, giao thông, nếu tách ra sẽ mất thời gian và không tinh gọn lại bộ máy. Ở đây đòi hỏi yêu cầu người đứng đầu cơ quan có tầm cao và phải có trình độ tổ chức tốt để giải quyết nhiều công việc cho địa phương đấy: “Chuyện sáp nhập đó rất tốt vì nhìn được tổng thể hơn và có quyền quyết hơn trong đa ngành, đa lĩnh vực.

Xây dựng không tốt sẽ ảnh hưởng đến giao thông, giao thông không tốt sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh v.v. Nếu trong trường hợp ấy sẽ rất lợi, có điều đòi hỏi người đứng đầu phải có trình độ cao, có tầm nhìn, biết dự báo và tất cả, nhưng chắc chắn sẽ tìm được. Như vậy, sẽ tinh giản được biên chế, tinh giản được bộ máy, khi đó bộ máy gọn nhẹ hơn sẽ đỡ gánh nặng cho nhà nước, đỡ gánh nặng cho dân”.

Tuy nhiên, còn khá nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc hợp nhất một số Sở. Nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu và bàn thảo kỹ vấn đề này vì hiện nay chức năng hoạt động của các sở khác nhau và có phối hợp chặt chẽ trong chia sẻ dữ liệu. Nếu thực hiện hợp nhất thì có cảm giác như hai bộ máy cộng lại với nhau chứ mục đích hợp lý hóa về tổ chức, tinh gọn bộ máy và công việc thì chưa thấy.

Băn khoăn về “siêu Sở”, ông Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết: Hà Nội đã họp, trình Bộ Nội vụ và báo cáo Chính phủ chủ trương không thống nhất với dự thảo Nghị định. Bởi vì, cũng giống như TP HCM, TP Hà Nội là một đô thị rất lớn. Nếu sáp nhập Sở Xây dựng, Sở GT-VT, Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị, thì khối lượng công việc của Sở mới sẽ là quá lớn, mà hiệu quả công việc thì không cao: “Hà Nội thống nhất rồi và có văn bản báo cáo lên Bộ Nội vụ và Chính phủ rồi, Hà Nội không đồng tình sáp nhập sở vào lớn lắm, sở quy hoạch, sở xây dựng, sở giao thông rất lớn, công việc mà như thế không làm được. Cơ bản không đồng tình vì Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh công việc lớn, địa bàn rộng. Ví dụ tài chính kế hoạch thì có thể xem xét chứ quy hoạch với xây dựng, giao thông chức năng hoàn toàn độc lập, không có gì liên kết với nhau cả” .

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho rằng: đây là vấn đề khó, trong khi các địa phương rất cần sự ổn định.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức băn khoăn cho rằng: bộ máy hành chính cần thiết được cải tổ phù hợp, nhưng phải xác định thật rõ cải tổ để đạt mục tiêu gì?

Những cải tổ ấy liệu có gây khó khăn trong hoạt động của đối tượng trực tiếp chịu tác động – mà ở đây là bộ máy hành chính của địa phương – hay không? Những thay đổi ấy liệu có thuận lợi cho dân hay không? Nếu không thuận lợi cho dân thì các phương án tinh gọn bộ máy, hợp nhất các cơ quan phải cân nhắc kỹ. Cần chỉ ra các khuyết điểm hiện nay của bộ máy, cân nhắc giữa thay đổi cả cơ cấu, tổ chức bộ máy hay khắc phục những tồn tại để ổn định sẽ có lợi hơn để quyết định cách làm.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh: Trong khoa học tổ chức phải có đặc thù từng nơi, nếu cứng nhắc cả cũng không được, phải tạo cơ chế để áp dụng và phải trong khung của Chính phủ cho phép.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh: “Mỗi vùng, miền, thành phố có cơ chế mềm, cơ cấu cứng. Trong mô hình tổ chức nhà nước đơn nhất và thống nhất phải có cơ cấu cứng và cơ cấu mềm cho bộ máy đấy và cơ cấu mềm ấy thông qua cơ chế cho họ.

Sáp nhập để tinh giản nhưng sáp nhập có hợp lý hay không là câu chuyện phải trả lời chứ không chỉ làm theo phong trào. Và bộ máy là con người không phải như kiểu tách ra nhập vào, đây là cả bộ máy, cơ chế, con người kéo theo. Sự thay đổi của nó kéo theo bên dưới người dân, doanh nghiệp thay đổi hàng chục, hàng trăm vấn đề các mối liên quan, liên quan hàng trăm, hàng nghìn con người”.

Rõ ràng, câu chuyện hợp nhất các sở, ngành là vấn đề lớn, cần có sự bàn thảo kỹ càng, thấu đáo. Mục tiêu và cũng là hiệu quả lớn nhất của việc hợp nhất là giúp tinh gọn bộ máy, giảm bớt trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, giúp tiết kiệm chi tiêu công. Tuy nhiên, để hợp nhất cũng cần chú ý đến hiệu quả công việc sau hợp nhất. Đặc biệt, nên cân nhắc việc tạo cơ chế đặc thù đối với những tỉnh, thành lớn để có thể hình thành bộ máy phù hợp với điều kiện dân số, kinh tế-xã hội của những địa phương đó./.

Nguyên Nhung/VOV -Trung tâm Tin

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu