Thứ Sáu, 10/01/2025 12:37 (GMT +7)

Sẽ duy trì mặt bằng lãi suất

Thứ 6, 25/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi thông điệp sẽ kiên trì chống đô la hóa, giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ, nâng cao giá trị đồng tiền Việt Nam, đồng thời sẽ duy trì mặt bằng lãi suất ổn định trong năm 2016.

Thị trường ngoại tệ ổn định
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thị trường ngoại hối trong thời gian qua bị tác động tâm lý khá lớn trước các biến động của kinh tế thế giới. Đặc biệt, thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đã tác động mạnh tới thị trường ngoại hối Việt Nam. NHNN và các chuyên gia cho rằng, tác động từ FED về ngắn hạn là không nhiều nhưng thị trường ngoại hối bị tác động tâm lý rất nặng nề, dù cung cầu có nhiều dấu hiệu tích cực, xuất siêu liên tục trong tháng 10 và 11, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân tăng 17%, kiều hối tích cực…

Mặt bằng lãi suất sẽ khó giảm thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, rõ ràng kinh tế thế giới biến động khó lường. Cuối năm 2015 có biến động rất lớn, tác động thường xuyên, liên tục tới tâm lý trong nước. Việc FED tăng lãi suất, đồng nhân dân tệ (CNY) giảm tháng 8 vừa qua, CNY sắp vào giỏ tiền tệ từ tháng 10/2016 đã có tác động nhất định, khiến việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) gặp khó khăn.

Tuy nhiên, “NHNN rất linh hoạt trong việc đưa ra các giải pháp, ví dụ đưa lãi suất gửi USD về 0%. Năm 2016, NHNN sẽ tiến tới hoàn thiện để điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt hơn nhằm giảm tâm lý kỳ vọng, găm giữ ngoại tệ có thể gây ra khó khăn trong điều hành. Hiện NHNN đang triển khai với phương châm nâng cao giá trị tiền đồng”, bà Hồng cho biết thêm.

Còn theo ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, trong năm 2015, tỷ giá và thị trường ngoại tệ tiếp tục được giữ ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế tiếp tục giảm, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN đã linh hoạt điều chỉnh tăng 3% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ tỷ giá từ 1% lên 3% nhằm ứng phó kịp thời với các tác động bất lợi từ thị trường tài chính quốc tế.

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết thêm, năm 2016 NHNN sẽ chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, để tiếp tục giảm tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế.
Lãi suất khó giảm thêm
Mặc dù chỉ số lạm phát trong năm 2015 được đánh giá là thấp, nhưng khó có cơ hội giảm mặt bằng lãi suất trong năm 2016. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải, chúng ta không thể chủ quan với lạm phát trong năm 2016. Qua phân tích cho thấy, xu hướng lạm phát giảm ở nhiều nước trên thế giới không phản ánh giảm phát của nền kinh tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến cáo các quốc gia cần truyền thông về vấn đề này để có ứng xử phù hợp.
Thực tế, “Lạm phát 2015 có tác động bởi yếu tố giá cả hàng hóa thế giới giảm, nhất là giá dầu. Năm 2015, giá dầu đã giảm gần tới mức đáy. Do đó, trong năm 2016 khó giảm tiếp để hỗ trợ lạm phát giảm. Nếu giá dầu tăng trở lại, tác động tới lạm phát sẽ là điểm đáng lưu tâm. Hơn nữa, năm 2016, Việt Nam sẽ điều chỉnh giá nhiều mặt hàng thiết yếu như: giáo dục, y tế, giá điện… do đó, lạm phát 2016 khó duy trì thấp như năm 2015. Nên việc điều hành lãi suất trong năm 2016 là khó khăn, thách thức”, bà Hồng cho biết thêm.
Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức 6-9% (ngắn hạn), 9-11% (dài hạn). “Ngoài điều hành chung, Thống đốc NHNN còn kêu gọi các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất cho vay. Trước đây, dịp giáp Tết, các TCTD thường đưa ra thông tin về lợi nhuận cao, nhưng những năm gần đây, các ngân hàng vừa phải giảm lãi suất, hỗ trợ kinh doanh, vừa trích lập dự phòng… nên chênh lệch thu chi của các ngân hàng năm 2015 giảm nhẹ so với năm 2014”, bà Hồng nói.
So sánh với các nước trong khu vực, vì lãi suất của Việt Nam vẫn cao. Lý giải điều này, bà Hồng cho rằng, chúng ta vừa phải điều hành chính sách tiền tệ, nhưng hệ thống ngân hàng đang tái cơ cấu các TCTD, các TCTD phải sử dụng phần lớn lợi nhuận để xử lý nợ xấu, nên khả năng tiếp tục giảm lãi suất sẽ khó khăn. Ngoài ra, trái phiếu Chính phủ lãi suất cao cũng gây áp lực cho mặt bằng lãi suất. Hệ thống ngân hàng luôn muốn giảm lãi suất, nhưng giảm ở liều lượng thế nào để là vừa cân đối kinh tế vĩ mô, lại an toàn hệ thống, hợp với sức chịu đựng của các TCTD.
Về quan điểm điều hành CSTT trong năm 2016, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ CSTT cho biết, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ, NHNN xác định mục tiêu trọng tâm năm 2016 là chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (dưới 5%), bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (khoảng 6,7%). Tăng dư nợ tín dụng phù hợp, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Năm 2016, tăng trưởng tín dụng dự kiến ban đầu của Ngân hàng Nhà nước từ khoảng 18 – 20% tùy theo điều kiện kinh tế để có các giải pháp linh hoạt.
TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu