Thứ Năm, 23/01/2025 05:00 (GMT +7)

Sẽ thay thế người đứng đầu đơn vị có biểu hiện dung túng cho buôn lậu

Thứ 5, 03/08/2017 | 15:21:00 [GMT +7] A  A

Chánh Văn phòng Thường trực (VPTT) Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết: Thời gian tới sẽ có quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế, kỷ luật những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 88.564 vụ việc vi phạm (bằng 93,71% so với cùng kỳ năm 2016), thu nộp ngân sách Nhà nước (NSNN), trong đó, xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt 7.949 tỷ 667 triệu đồng (tăng 40,44% so với cùng kỳ năm 2016), khởi tố 1.189 vụ đối với 1.372 đối tượng.

Lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đang kiểm kê số lượng hàng hóa, niêm phong đưa vào kho tang vật để phục vụ công tác điều tra. Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN

Mặc dù kết quả đạt được đáng ghi nhận nhưng tình hình thực tế buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn đang diễn biến phức tạp: Buôn lậu xăng dầu, thuốc lá, đường kính còn phức tạp, gian lận thương mại trong xuất nhập khẩu, hàng giả, hàng nhái vi phạm sở hữu trí tuệ còn diễn ra nhiều nơi… Những tồn tại trên gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và bức xúc trong quần chúng nhân dân.

“Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại cũng như sự phối hợp giữa các bộ, ngành địa phương chưa quyết liệt. Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để ngăn ngừa vi phạm.

Đặc biệt vẫn còn tình trạng nể nang, bao che, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm, nhất là xử lý trách nhiệm của cán bộ công chức có liên quan. Việc điều tra xử lý một số vụ vi phạm cụ thể còn chậm trễ, kéo dài, gây dư luận xấu”, ông Thế nói.

Theo VPTT Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, tồn tại trên có nhiều nguyên khách quan và chủ quan nhưng yếu tố chủ quan cần được nhận diện như: Vai trò lãnh đạo của người đứng đầu có nơi, có lúc, triển khai công tác chưa thực sự quyết liệt, thiếu kiểm tra đôn đốc. Ý thức trách nhiệm của công chức thực thi nhiệm vụ có nơi, có lúc buông lỏng, làm ngơ, thậm chí tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Một số vụ việc điển hình tiếp tay cho buôn lậu đã bị đưa ra xử lý như: Tỉnh Sóc Trăng có 2 cán bộ quản lý thị trường tiếp tay đối tượng phạm pháp bị bắt giữ; 28 cán bộ hải quan tỉnh An Giang vi phạm bị truy tố…

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389, cơ chế chính sách pháp luật còn tạo kẽ hở, gây khó khăn cho việc kiểm soát vi phạm của các lực lượng chức năng như: Quy định về chứng từ hóa đơn, giám định hàng hóa… Công tác phối hợp giữa các lực lượng thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ. Việc xử lý trách nhiệm cán bộ phụ trách địa bàn, lĩnh vực và người đứng đầu đơn vị, địa phương để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, kéo dài còn chưa được xử lý triệt để… Trong khi đó, các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động.
Hàng hóa vi phạm chủ yếu là hàng cấm, hàng giả, hàng tiêu dùng và hàng phục vụ sản xuất… Cụ thể, trên các tuyến biên giới: Đường bộ tiếp giáp với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia… hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến phức tạp, trọng điểm là tại các khu vực đường mòn, lối mở, kênh, rạch, sông, suối. Hàng hóa buôn lậu chủ yếu là: Ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, rượu ngoại, thuốc lá, thức ăn, đồ uống, đường cát, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm tươi sống, gia cầm, gia súc, hàng tiêu dùng các loại…
Tuyến biên giới đường biển và các cửa khẩu cảng biển: Nổi lên là các hoạt động buôn lậu xăng dầu, khoáng sản, hàng bách hóa tiêu dùng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị, máy móc phụ tùng đã qua sử dụng, nguyên phụ liệu công nghiệp, các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, động vật hoang dã quý hiếm,…Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, vi phạm chủ yếu tập trung là hàng cấm, hàng hóa gọn nhẹ, có giá trị kinh tế lớn và dễ cất giấu như: Ma tuý, sản phẩm của động vật hoang dã quý hiếm, ngoại tệ, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, xì gà…
Trong nội địa, nổi lên tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển hàng lậu từ biên giới qua đường bộ, đường sắt và hàng hóa được đưa vào các trung tâm đô thị và phân tán đi các vùng miền. Vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí MinhTheo các lực lượng chức năng, từ nay tới cuối năm, cùng với chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện có kết quả các giải pháp đã đề ra về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới phương thức, quy trình quản lý để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo cân đối cung – cầu thị trường hàng hóa trong nước. Ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới góp phần ổn định cuộc sống của người dân để người dân không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Minh Phương/Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu