Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 16/11/2024 01:28 (GMT +7)
Tại sao phụ nữ mang thai phải có chế độ dinh dưỡng đặc biệt?
Thứ 3, 07/11/2017 | 15:37:00 [GMT +7] A A
Chế độ dinh dưỡng của người mẹ quyết định sự hình thành và phát triển trí não của thai nhi. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng ở phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú ở Việt Nam diễn ra khá phổ biến.
Khi mang thai, cơ thể phụ nữ trải qua nhiều thay đổi như tăng cân, tích lũy mỡ, tăng khối lượng tử cung và bầu ngực; nhịp tim tăng 20 nhịp/phút tương đương nhịp tim của một người bình thường đang leo núi… Chính vì vậy, nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng của mẹ bầu cao hơn so với khi không mang thai.
Theo bác sĩ Jacqueline Gould, giảng viên lâm sàng cấp cao Đại học Adelaide (Australia), chế độ dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu tiên tính từ giai đoạn mang thai đến 2 năm đầu đời là vô cùng quan trọng, bởi đây là giai đoạn nền tảng giúp phát triển trí não và khả năng học hỏi của bé sau này.
Đặc biệt, trong suốt 280 ngày trong bụng mẹ, nếu không được bổ sung đầy đủ dưỡng chất, trí não của bé khó có thể đạt đến mức phát triển toàn diện và những khiếm khuyết sẽ ảnh hưởng đến bé suốt quãng thời gian về sau.
Các bác sĩ về dinh dưỡng cho biết, thiếu dinh dưỡng vào đầu thai kỳ, trẻ sinh ra có nguy cơ béo phì và bị bệnh tim mạch cao. Thiếu dinh dưỡng vào cuối thai kỳ, nguy cơ trẻ sinh ra nhẹ cân và rối loạn khả năng dung nạp glucoza sẽ cao hơn. Nếu phụ nữ mang thai bị thiếu chất, nguy cơ tai biến sản khoa và sinh non hoặc nhẹ cân sẽ tăng cao. Đặc biệt, sự thiếu hụt một số vi chất dinh dưỡng trong khẩu phần có thể dẫn đến dị tật ống thần kinh hoặc gây thiểu năng trí tuệ cho trẻ sinh ra.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng của phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú ở Việt Nam đang khá phổ biến, trong đó những dưỡng chất thiếu hụt hàng đầu là thiếu kẽm, thiếu Folate, vitamin A và canxi.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai là do hầu hết phụ nữ mang thai hiện nay đều chưa được trang bị đầy đủ kiến thức dinh dưỡng, từ đó áp dụng các chế độ ăn uống thiếu hụt các vi chất, trong khi nhu cầu dưỡng chất của họ trong giai đoạn này lại tăng cao nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định cả về thể chất lẫn trí não của thai nhi.
PGS. TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho hay từ ngày 28 của thai kì, não của thai nhi đã bắt đầu hình thành và phát triển. Để bé phát triển trí não toàn diện, các mẹ nên chú ý ăn các thực phẩm giàu DHA và GA-Connex… đồng thời uống thêm các loại sữa giàu hàm lượng hai dưỡng chất quan trọng này.
Bên cạnh đó, khẩu phần ăn của mẹ nên nhiều hơn, sao cho năng lượng cung cấp tăng 250 Kcal/ngày (tương đương 1 bát cơm và thức ăn hợp lý). Ngoài chế độ ăn thông thường, mẹ cần chú ý bổ sung 6 đơn vị sữa/ngày để cung cấp đủ 1200mg canxi/ngày vì đây là giai đoạn phát triển về khung xương, chiều cao của bé. Ngoài ra, mẹ nên bổ sung mỗi ngày 60 mg sắt nguyên tố và 600 mcg Folate.
Cùng với việc bổ sung đủ dưỡng chất, mẹ cũng nên áp dụng các thói quen ăn uống như sau để dưỡng chất được hấp thu hiệu quả vào con mà mẹ vẫn kiểm soát được cân nặng: Ăn 5 – 6 bữa/ngày, mỗi bữa ăn một ít, kiểm soát lượng tinh bột vừa đủ, chọn nguồn tinh bột tốt cho sức khỏe, ăn vào cuối ngày nhiều hơn, chú ý ăn đa dạng thực phẩm, không nên ăn quá nhiều và ăn đơn điệu một món bất kỳ.
Đan Phương/Báo Tin Tức
Ý kiến ()