VOV.VN -Người dân bất bình và lên án cán bộ lợi dụng việc đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế để trục lợi giữa lúc cả nước chung tay chống đại dịch Covid-19.
Ngày 20/5 này, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành khai mạc và làm việc trực tuyến nửa kỳ họp thứ 9 để đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Theo thông lệ, một trong những nội dung đầu tiên Quốc hội lắng nghe là báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri và nhân dân do Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc trình bày. Và cũng dễ hiểu khi nội dung được đề cập nhiều chính là xung quanh đại dịch Covid-19 – gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu mang tính lịch sử.
Quốc hội sẽ họp 2 đợt tại Kỳ họp thứ 9: Họp trực tuyến và họp tập trung
Trân trọng những nỗ lực không mệt mỏi
Báo cáo trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 45 chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9, nhấn mạnh cử tri và nhân dân tin tưởng, đồng tình, đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, sự vào cuộc tích cực của của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã ra Lời kêu gọi, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị có liên quan về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, ứng phó, ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh.
Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát và cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân, an sinh xã hội, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Cử tri và nhân dân bày tỏ sự cảm ơn, trân trọng về những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương, nhất là của ngành Y tế, lực lượng Quân đội, Công an, của cán bộ ở cơ sở và các lực lượng khác đã rất vất vả, quên mình trên tuyến đầu chống dịch. Cùng với đó là sự đoàn kết, ủng hộ của người dân.
Cử tri cũng ghi nhận, đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép”: Vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ đã có giải pháp nhằm ổn định thị trường, kịp thời ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ đến doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt, người dân thể hiện sự tin tưởng và phấn khởi khi gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng được triển khai kịp thời.
Công tác cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả được chỉ đạo sát sao. Các cơ quan, chính quyền đã đẩy mạnh sự phân công, phân cấp, công khai tiêu chuẩn, quy trình, tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền”.
Chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta cũng được nhân dân đánh giá cao; đồng tình với các giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; ghi nhận kết quả và những dấu ấn đậm nét, thể hiện vai trò tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021..
Người dân chia sẻ, đùm bọc nhau vượt qua khó khăn giữa đại dịch, như các “ATM” gạo đã để lại ấn tượng đẹp về hình ảnh Việt Nam
Còn nhiều lo lắng!
Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng toàn cầu, tác động đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội và hành vi, thói quen sinh hoạt của người dân trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam thì lẽ đương nhiên cử tri cũng mang nhiều lo lắng gửi tới diễn đàn Quốc hội.
Đó là 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700, tăng 33,6%; gần 14.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Cũng trong thời gian này có 5.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Tình hình lao động, việc làm quý I/2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý I/2020 ước tính là 2,02%; Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) ước tính là 7,01%…
Bên cạnh ghi nhận những hình ảnh đẹp, tấm gương tận tuỵ hết mình trong phòng, chống dịch thì cử tri cũng bất bình và lên án một số cán bộ lợi dụng việc đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế để trục lợi, đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Một Uỷ viên Thường vụ Quốc hội vừa qua phải thốt lên rằng: “Trời ơi! Cả nước lo chống dịch vậy mà mấy ông đi nâng giá thiết bị lên để lấy “ăn”. Nghe mà đau!”
Điển hình là vụ việc “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan lợi dụng chính sách phòng, chống dịch của Chính phủ nâng khống giá trị gói thầu mua sắm máy xét nghiệm Covid-19.
Bên cạnh vấn đề Covid-19, nhiều điều mà cử tri lo lắng, gửi tới Quốc hội qua nhiều Kỳ họp vẫn còn đó như tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép và chặt phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra ở một số nơi. Tình trạng sạt, lở bờ sông, hạn hán, xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tình hình tội phạm cướp của, giết người, lừa đảo, tín dụng đen, buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy còn diễn biến phức tạp hay tình trạng băng nhóm tội phạm có tính chất xã hội đen lộng hành tại một số địa phương.
Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cắt, giảm thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ; quyết liệt xử lý các vụ án tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát để khắc phục những biểu hiện hình thức, lợi ích nhóm, những lỗ hổng trong đấu thầu./.
Ngọc Thành/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/tam-tu-cu-tri-gui-quoc-hoi-bat-binh-khi-can-bo-truc-loi-tu-covid19-1049509.vov
Ý kiến ()