Thứ Năm, 21/11/2024 21:05 (GMT +7)

Tân Hưng: Người dân có thu nhập ổn định từ cây lục bình

Thứ 4, 06/03/2024 | 16:38:02 [GMT +7] A  A

Những năm gần đây, tận dụng nguồn lục bình sẵn có trên kênh, rạch tại địa phương, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Tân Hưng đã cắt đem về phơi rồi bán cho thương lái, nhờ đó mà có thêm thu nhập để trang trải và ổn định cuộc sống hơn.

Người dân Tân Hưng có thu nhập ổn định từ nghề cắt lục bình.

Chạy dọc theo các tuyến kênh, rạch trên địa bàn huyện thì không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đang tất bật cắt, phơi lục bình, hình ảnh này đã trở nên quen thuộc với người dân địa phương nơi đây.

Trước đây, lục bình được xem là loài thủy sinh dại xâm lấn, chiếm diện tích mặt nước, gây ách tắc dòng chảy, lưu thông người dân chỉ tận dụng chúng để ủ phân, vun gốc cây hoặc trộn làm thức ăn độn cho vật nuôi trong gia đình. Thế nhưng trong những năm gần đây, lục bình đã được “hóa kiếp” và trở thành món quà thiên nhiên ban tặng để giúp cuộc sống người dân vùng biên được sung túc, no đủ hơn.

Lục bình được người dân ngăn vào một góc kênh ương, dưỡng 1 – 2 tháng rồi bắt đầu thu hoạch.

Theo nhiều hộ dân mưu sinh bằng nghề cắt lục bình cho biết, công việc này tuy vất vả do phải thường xuyên ngồi lâu ngoài trời nắng nhưng cũng khá đơn giản, không đòi hỏi nhiều sức lực, chỉ cần hàng ngày chịu khó rong ruổi trên các tuyến kênh, rạch để chặt bỏ lá và rễ lục bình, gom thành từng bó mang về phơi khô do đó rất phù hợp với phụ nữ hay những người lớn tuổi.

Nhờ công việc cắt lục bình mà bà Ngân Thị Lai, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng có thêm thu nhập mỗi tháng từ 5 – 6 triệu đồng, ổn định cuộc sống.
Mỗi ngày vợ chồng ông Nguyễn Văn Thảng, thị trấn Tân Hưng cắt được từ 200 đến 250 kg lục bình tươi, thu nhập mỗi tháng trên dưới 10 triệu đồng.

Thông thường khoảng 10 kg lục bình tươi sẽ cho 01 kg lục bình khô và được thương lái đến tận nơi để thu mua với giá dao động từ 10 đến 20 ngàn đồng/kg. Còn ở thời điểm hiện tại, giá 01 kg lục bình khô dao động từ 22 đến 25 ngàn đồng/kg. Do đó, mỗi tháng người dân có thu nhập từ 5 đến 10 triệu đồng từ nghề cắt lục bình này.

Trao đổi với chúng tôi bà Ngân Thị Lai, ấp Hưng Thành, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng cho biết: Trước lục bình trôi nổi trên kênh, rạch ai cần sử dụng thì vớt tùy thích. Nhưng kể từ khi nghề đan lục bình phát triển thì bà và nhiều hộ dân ở đây bắt đầu dùng dây ngăn lục bình vào một góc kênh trước nhà để làm sở hữu riêng, khoảng 1 - 2 tháng ương, dưỡng lục bình dài khoảng 70 – 80 cm là có thể cắt được, nhờ đó mà cũng có thêm nguồn thu nhập ổn định và giúp cuộc sống gia đình được cải thiện hơn trước.

Thông thường khoảng 10 kg lục bình tươi sau khi phơi sẽ được 01 kg lục bình khô.
Lục bình phơi nắng khoảng 5 ngày mới khô hẳn và xuất bán được cho thương lái.

Bà Ngân Thị Lai chia sẻ: “Để thu hoạch lục bình, tôi phải thức từ sớm, tranh thủ buổi sáng trời mát cắt lục bình, đến khoảng 11 giờ thì về đem lục bình đi phơi nắng, khoảng 5 ngày phơi thì lục bình mới khô hẳn và xuất bán được. Công việc tuy vất vả nhưng cũng có được thu nhập ổn định hàng tháng đủ để trang trải sinh hoạt phí hàng ngày”.

Gắn bó với nghề cắt lụt bình đã hơn 4 năm qua, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thảng, khu phố Rọc Chanh, thị trấn Tân Hưng dù tuổi đã cao và sức khỏe có phần suy giảm nhưng mỗi ngày từ sáng sớm tinh mơ, trên chiếc xuồng nhỏ vợ chồng ông bơi dọc theo con kênh 79 phía trước nhà để cắt lục bình, trung bình mỗi ngày, vợ chồng ông cắt được từ 200 đến 250 kg lục bình tươi, gom thành từng bó mang về phơi khô và bán cho thương lái. Mỗi tháng vợ chồng ông cũng kiếm thêm thu nhập trên dưới 10 triệu đồng, đủ để hai vợ chồng già trang trải cuộc sống hàng ngày.

Nghề cắt lục bình khá đơn giản, không đòi hỏi nhiều sức lực do đó rất phù hợp với phụ nữ hay những người lớn tuổi.
Lục bình hiện có giá khá cao dao động từ 22 đến 25 ngàn đồng/kg, người dân rất phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Thảng khu phố Rọc Chanh, thị trấn Tân Hưng cho biết: “Giờ tôi cũng đã gần 70 tuổi rồi đâu còn lao động việc nặng nhọc được, mấy năm nay cũng nhờ vào việc cắt lục bình này mà cuộc sống gia đình cũng ổn định. Đặc biệt là năm nay lục bình bán được giá cao, gấp đôi so với 1, 2 năm trước đây nên thu nhập của gia đình tôi cũng như những người mưu sinh bằng nghề cắt lục bình này cũng được kha khá, tôi rất phấn khởi.”  

Người dân không nên vì lợi ích mà nuôi lục bình dày đặc trên kênh, rạch làm cản trở dòng chảy, gây ảnh hưởng đến đến giao thông, thủy lợi.

Dẫu có nhiều vất vả nhưng nghề cắt lục bình đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương, bởi nghề này có thể làm quanh năm vì lục bình sinh sôi, nảy nở rất nhanh. Tuy nhiên, người dân cũng không nên vì mưu sinh mà nhân nuôi lục bình dày đặc trên kênh rạch, làm cản trở dòng chảy, gây ảnh hưởng đến đến giao thông, thủy lợi và môi trường.                           

Duy Phước

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu