Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 26/01/2025 14:51 (GMT +7)
Tăng cường hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp
Thứ 3, 11/12/2018 | 14:50:00 [GMT +7] A A
Nhiều ý kiến cho rằng, Hội Nông dân Việt Nam cần tăng cường các hình thức hỗ trợ nông dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với tổ chức Hội và giai cấp nông dân cả nước. Trước thềm Đại hội, nhiều ý kiến của lãnh đạo Hội Nông dân các cấp, hội viên, nông dân mong muốn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, Hội Nông dân Việt Nam cần tăng cường các hình thức hỗ trợ nông dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đăng Hệ cho rằng, hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, thuốc bảo quản trong sản xuất nông nghiệp còn tùy tiện; tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn đang ở mức báo động. Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Đăng Hệ mong muốn tại Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, các đại biểu là những người đại diện cho nông dân cần có ý kiến, kiến nghị với Nhà nước có các chính sách trong công tác quản lý đất nông nghiệp phù hợp để khuyến khích người nông dân tích tụ ruộng đất, yên tâm mở rộng sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Cánh đồng 25 ha của thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lương Tài, các cấp Hội cần hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình điểm về sản xuất và đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm; tăng cường hỗ trợ nông dân tiếp tục xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản và hỗ trợ thiết lập, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; xây dựng mạng lưới thông tin nông sản, thị trường nông sản từ cấp cơ sở một cách chặt chẽ, tạo điều kiện nông dân dễ dàng kết nối thông tin, tham gia.
Đồng tình ý kiến cần quan tâm hơn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018 Nguyễn Trọng Long (Hà Nội) cho rằng, thời gian tới, với vai trò của mình, Hội Nông dân Việt Nam cần có những tác động, kiến nghị nhằm tháo gỡ những vướng mắc về tín dụng nông nghiệp, hỗ trợ nông dân làm giàu. Ông Nguyễn Trọng Long cho biết, hiện ông đã xây dựng được chuỗi chăn nuôi lợn sinh học A – Z, sử dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến 50% máy móc nhập từ châu Âu. Những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nhất là các mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị, nhưng người nông dân vẫn khó tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp do vướng phải rào cản, mà đặc biệt là tài sản thế chấp. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trang trại và giá trị tài sản trên đất được định giá quá thấp so với thực tế sẽ là bất lợi cho việc vay vốn.
Ông Nguyễn Trọng Long cho biết, giá trị thực tế trang trại của Hợp tác xã Hoàng Long do ông làm Giám đốc lên đến 70 tỷ đồng (gồm hệ thống chuồng trại, dây chuyền chế biến thức ăn, giết mổ, kho bảo quản…) lại không được dùng để thế chấp do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Nguyễn Trọng Long đề nghị thông qua Đại hội này, lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục đề xuất với Đảng, Nhà nước sớm có những cơ chế, chính sách để tháo gỡ những vướng mắc về hỗ trợ tín dụng trong sản xuất nông nghiệp, giúp người nông dân có thêm có hội mở rộng quy mô sản xuất.
Phân tích những khó khăn trong hoạt động sản xuất của nông dân, anh Lê Văn Khương (xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) cho rằng, người nông dân hiện nay rất khó tiếp cận với nguồn vốn. Bên cạnh đó, vấn đề thực phẩm không an toàn, thật và giả lẫn lộn cũng là nguyên nhân khiến cho người tiêu dùng mất lòng tin, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của những người nông dân chân chính.
Vườn cam trồng theo mô hình VietGAP tại huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN
Theo anh Khương, cái khó của các Hợp tác xã hiện nay là sản xuất ra hàng chất lượng cao nhưng khi bán, giá lại bằng các sản phẩm thông thường vì người tiêu dùng không phân biệt được hàng giả, hàng thật. Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng mạnh tay hơn nữa trong công tác quản lý thị trường; xử lý các hành vi vi phạm, nhất là đối với các mặt hàng liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp để “các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng tốt được bán với đúng giá trị thực trên thị trường”.
Về công tác tổ chức Hội, anh Nguyễn Văn Khương cho rằng, các cấp Hội cần có thêm những chính sách động viên, khích lệ kịp thời để các chi hội trưởng có nguồn động lực tinh thần tiếp tục tham gia công tác vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Hội.
Anh Lã Văn Bắc (xã Vĩnh Hảo, Bắc Quang, Hà Giang, một chủ trang trại trồng cam theo kỹ thuật mới, mỗi năm thu lãi hơn 3 tỷ đồng) được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lựa chọn là một trong những nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018.
Bên cạnh sự thành công, anh Bắc cho biết, điều trăn trở nhất với anh và nhiều nông dân là vẫn phải loay hoay trên chính mảnh đất của mình. Bản thân anh và nhiều người hiện đang trồng trọt và chăn nuôi theo năng lực của từng hộ gia đình, vốn vay được bao nhiêu, làm bấy nhiêu, mạnh ai nấy làm chứ không có sự liên kết giữa các hộ với nhau hay các hộ với doanh nghiệp. Theo anh Lã Văn Bắc, vì lý do đó mà trong gần 10 năm gắn bó với cây cam anh đều tự mình đi tìm thị trường cho sản phẩm của gia đình.
Anh Bắc hy vọng, thời gian tới, các cấp Hội sẽ hỗ trợ, lắng nghe nông dân nhiều hơn để người nông dân có thể tham gia vào chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, tạo đầu ra lâu dài ổn định cho sản phẩm…
Nhiều đại biểu về dự Đại hội cho rằng, khó khăn nhất của người nông dân hiện nay đó là trình độ nghề, kiến thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhất là kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao còn rất thấp. Khoảng 70% lao động nông thôn chưa được học nghề, số học nghề 3 tháng có chứng chỉ chưa được 5%. Hiện nay, giai cấp nông dân chiếm hơn 70% dân số nhưng con số thống kê mới nhất cho thấy, số nông dân được đào tạo nghề có chứng chỉ chỉ đạt 26%. Đáng nói là lực lượng nông dân có chứng chỉ nghề đó mới chỉ biết sản xuất hàng hóa, còn lại các kiến thức để làm sao tham gia chuỗi giá trị hàng hóa thì chưa đáp ứng được.
Các đại biểu mong muốn, Đại hội sẽ đề ra những giải pháp hữu hiệu, từ đó phối hợp với Chính phủ và các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn cho nông dân; xứng đáng với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân.
Ý kiến ()